NHÀ VĂN NAM THI:
Ði như là trở về…
Nam Thi (ảnh) là bút danh của ông trong các ấn bản gần đây. Còn tên thật ông là Trần Thiếu Bảo, sinh năm 1947, quê gốc ở Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Ba năm, bốn tập sách liên tiếp được xuất bản. Bằng lối viết mộc mạc, giàu cảm xúc, nhất là khi khai thác về những lầm lũi phận người và ấm áp tình quê, sáng tác của ông nhận được nhiều đồng cảm từ bạn đọc.
Năm 1965, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống, sau đó ông trở thành nhà báo. Nhắc nhớ lại tháng ngày làm báo, ông kể: Mình tâm đắc nhất là loạt tin bài về chàng trai Nguyễn Mạnh H., 4 lần đậu đại học mà không được học. Thật vui, khi góc nhìn chân thành của mình nhận được hồi đáp tích cực.
Dù viết báo, hay viết truyện, Nam Thi vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho những phận người cô yếu, những góc khuất số phận bằng sự đồng cảm, chia sẻ. Năm 2018, ông cho ra mắt tập truyện Nụ hôn đầu của chim én (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh). Và ngay năm sau, ông in tiếp tập truyện thứ hai - Nàng Eva góa bụa (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh).
Truyện của Nam Thi chắc ở tứ truyện. Tình tiết và nội dung truyện gần gũi khiến người đọc có cảm giác như nó từng xuất hiện đâu đó rất gần mình. Truyện của ông đẫm vị đời, được rọi soi dưới cái nhìn đôn hậu, nhân văn. “Phần nhiều những truyện ngắn tôi viết đều xuất phát từ những câu chuyện có thật mà tôi từng tiếp xúc hay trải qua. Chính điều đó thôi thúc tôi viết để san sẻ cùng những hoàn cảnh, phận số ấy. Và cũng là để giải nén những tâm tư, cảm xúc lòng mình. Về sau này, truyện tôi viết mới hư cấu nhiều hơn, tiêu biểu như truyện Nụ hôn đầu của chim én…”, nhà văn thổ lộ.
Gần đây Nam Thi in 2 tập thơ: Tôi không tìm thấy tôi (NXB Hội Nhà văn, 2019) và Đi & Về (NXB Hội Nhà văn, 2020). Thơ Nam Thi dung dị câu chữ, thế mạnh về cảm xúc trong thơ ông dễ tạo sự đồng cảm với người đọc. Và dù là báo, văn hay thơ, ông đều dành nhiều trang cho quê hương. Với ông, ở đâu có tình ở đó là quê nhà, dù là Sài Gòn hay Bình Định. Bởi vậy, có lúc ông nói vui rằng, mình đi đâu, dù là Bình Định hay là Sài Gòn, thì cũng đều giống như đang “trở về” vậy. Lẽ thế, mà ông viết: “Tôi không phải khách lạ/ Mà giống như một đứa con đi xa/ lâu lắm mới quay về/ Sài Gòn và Quy Nhơn/ May mà còn có con sông và biển/ Vẫn âm thầm chào đón đứa con xa” (Nỗi niềm với Quy Nhơn - Sài Gòn). Có người bảo Nam Thi duyên muộn với văn chương. Ông chỉ ậm ừ, cười hiền khô vì lẽ ông viết như một sự thôi thúc được chia sẻ, để vui vầy một chút với con chữ.
NGÔ PHONG