Những kỷ vật trong phong trào diệt giặc dốt
Sau ngày 2.9.1945, trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở chiến dịch chống nạn mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của chính quyền cách mạng. Với nhiều nỗ lực vượt bậc, đến tháng 3.1949, tỉnh Bình Ðịnh được công nhận thanh toán nạn mù chữ.
Bức ảnh “Chân dung Bác Hồ” phần thưởng Bộ Giáo dục tặng cho “chiến sĩ giệt dốt” Giã Như Lang.
Trước đồng bào quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Một dân tộc tự giành được độc lập tự do từ tay thực dân đế quốc như dân tộc Việt Nam không thể là một dân tộc yếu”. Vì thế, Người đã ký Sắc lệnh số 17/SL, ngày 8.9.1945, thành lập Nha Bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân học chữ Quốc ngữ, tiêu diệt giặc dốt.
Ngay sau đó, phong trào diệt giặc dốt lan tỏa rộng khắp trên toàn nước Việt Nam, cả nước là một trường học lớn. Các đình miếu, chùa chiền, nhà ở của dân có diện tích rộng đều được huy động làm lớp học. Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đặt mục tiêu toàn dân phải đọc thông viết thạo. Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Bàn không có, người ta úp ngược thúng lại làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa, học viết chữ khác. Để kiểm tra việc học chữ của người đi học, ban kiểm tra thường đứng ở đầu làng, cổng chợ… nơi đông người qua lại. Ai đọc được chữ thì mới được đi qua. Lại có những hình thức vừa vận động, như gọi loa cổ động hàng ngày, các đội “diệt giặc dốt” của phụ lão và thiếu niên đến từng nhà nhắc nhở; vừa ràng buộc như giăng dây đố chữ, dựng “cổng mù - cổng sáng” trước cổng chợ… buộc người dân phải học. Nhờ vậy đã động viên phong trào thi đua học chữ đến tất cả các giới, xóm, thôn, xã, huyện.
Tính đến năm 1948, toàn tỉnh Bình Định mở 4.284 lớp học các loại, nhiều nhất là “lớp cướp thời gian” học cả trưa lẫn tối, học liên tiếp từng đợt 5 - 7 ngày, đã góp phần xóa mù chữ cho 128.520 học viên, trong đó miền núi mở 47 lớp với 1.078 học viên, có hơn 300 người mãn khóa sơ cấp bình dân.
Giấy chứng nhận Nha Bình Dân học vụ chứng nhận ông Phan Long đã theo lớp huấn luyện sư phạm khóa thứ I Quang Trung tại Huế.
Đầu tháng 3.1949, tỉnh Bình Định được công nhận thanh toán nạn mù chữ cho số người thuộc diện xóa mù chữ ở các huyện đồng bằng. Toàn tỉnh bình Định đã cơ bản xóa mù chữ và tiếp tục nâng lên chương trình bậc tiểu học, trung học, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, sĩ quan cao cấp... phục vụ kháng chiến kiến quốc.
Ông Phan Long, một người ở huyện Tuy Phước trong những năm tháng ấy cũng được đưa đi tham gia khóa học đào tạo cán bộ bình dân học vụ tại Huế. Sau khi hoàn thành khóa học, ông được cấp giấy chứng nhận, sau đó về địa phương tích cực dạy chữ cho nhân dân. Giấy chứng nhận ghi rõ: “Nha Bình dân học vụ chứng nhận ông Phan Long, Tuy Phước, Bình Định đã theo lớp huấn luyện sư phạm khóa thứ I Quang Trung tại Huế, từ ngày 1 tháng 12 năm 1947 đến ngày 15 tháng 12 năm 1947, và đã hứa sẽ đem hết tâm trí, nghị lực để theo đuổi công cuộc chống nạn mù chữ tới cùng. Ông Phan Long đã đặt danh dự vào lời hứa”.
Phong trào xóa nạn mù chữ không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị. Nó giúp cho nhân dân ta nâng cao lòng yêu nước, ý thức làm chủ và trình độ hiểu biết để đóng góp một cách có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem phong trào xóa nạn mù chữ là một mặt trận quan trọng, trong đó những người hoạt động trên lĩnh vực này, được xem như là chiến sĩ. Phần thưởng của Người cho các chiến sĩ diệt dốt chính là bức ảnh chân dung của mình, trên đầu bức ảnh có dòng chữ của Người “Tặng chiến sĩ diệt dốt”. Ông Giã Như Lang ở xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (nay là phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) là một trong những chiến sĩ trên mặt trận ấy đã được nhận phần thưởng cao quý trên.
Cây viết của “chiến sĩ diệt dốt” Nguyễn Trợ.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông Giã Như Lang là một trong những chiến sĩ thi đua xuất sắc trên mặt trận bình dân học vụ của Quân khu 5. Cuối tháng 4.1949, Đại hội mừng thành công phong trào thi đua xóa mù chữ vùng tự do Liên khu 5 tại rừng dừa Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, ông Giã Như Lang được tuyên dương “Chiến sĩ diệt dốt” xuất sắc. Tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua Liên khu 5 lần thứ nhất, ông Giã như Lang được bầu là chiến sĩ thi đua Liên khu. Ông được Bộ Giáo dục tặng bức chân dung Bác Hồ, có dòng bút tích của Người: “Tặng chiến sĩ diệt dốt”, bức ảnh này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Trợ ở thôn Thuận An, xã An Tân, huyện An Lão cũng là một trong những chiến sĩ diệt dốt xuất sắc. Sinh ra trong một gia đình nho giáo, cha của ông Nguyễn Trợ là thầy đồ trong làng, vì vậy từ nhỏ ông được gia đình cho đi học, dưới chế độ Pháp thuộc ông có bằng Sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire). Năm 1946, theo lời kêu gọi của Bác về phong trào diệt giặc dốt, ông hăng hái tham gia dạy học để xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Sau đó, ông tiếp tục dạy học tại trường tư thục ở Xuân Phong, xã An Hòa, huyện An Lão. Cây viết máy của ông hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng là đồ dùng dạy học của ông trong thời gian đó.
Bức ảnh có bút tích Bác Hồ, phần thưởng của ông Giã Như Lang và cây viết của ông Nguyễn Trợ, là những hiện vật minh chứng cho phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ - một mặt trận quan trọng sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Toàn dân đi học”.
HỒ THÙY TRANG