Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng:
Còn diễn biến phức tạp
Những năm gần đây, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép và cháy rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; số vụ vi phạm còn ở mức khá cao. Đáng lo ngại, tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ vẫn còn xảy ra, khiến dư luận bất bình.
Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh: Sở dĩ số vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng (BV-PTR) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn diễn biến phức tạp là do bà con dân tộc ở các địa phương miền núi thường có thói quen canh tác quảng canh; họ cần diện tích đất rộng lớn để canh tác, dẫn đến tình trạng tự ý phá rừng làm nương, rẫy. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kiên quyết xử lý việc sử dụng, sang nhượng, mua bán, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp, nhất là đối với đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xử lý vi phạm của chính quyền các địa phương đối với hành vi vi phạm Luật BV-PTR còn thiếu kiên quyết; nhiều hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) không thực hiện việc kiểm tra rừng nên không phát hiện kịp thời rừng bị phá…
Một nguyên nhân quan trọng khác làm cho tình trạng phá rừng ở tỉnh ta diễn biến phức tạp, nhất là ở 2 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) là khi xây dựng các công trình thủy điện, người dân thiếu đất sản xuất, phải vào rừng khai hoang, đốt rừng trái phép. Trong khi đó, lực lượng BVR của các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của các tổ, đội xung kích BVR, phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở chưa cao; công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, BVR còn yếu…
Trước thực trạng này, ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, cho rằng: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngành KL đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Đoàn Kiểm tra liên ngành các huyện, thị xã, thành phố sẽ đẩy mạnh các biện pháp tuần tra, kiểm soát, nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép; quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước, cũng như tăng cường kiểm soát vận chuyển lâm sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là vận chuyển trên các tuyến đường sắt.
“Hiện nay, đơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường các biện pháp cấp bách trong BVR, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ; kiện toàn Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh; ban hành kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng năm 2014. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại diện tích rừng, đất quy hoạch rừng phòng hộ chưa có chủ thể quản lý để tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố có phương án giao rừng, thuê rừng gắn với giao, cho thuê đất lâm nghiệp”, ông Thanh cho biết thêm.
Trong năm 2013, qua tuần tra, kiểm soát, các Hạt KL và Đội KL cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng đóng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hành chính 548 vụ vi phạm Luật BV-PTR. Qua đó, tịch thu hơn 1.081 m3 gỗ các loại; 240 kg động vật rừng; 3.570 kg gỗ trắc; 100 mô tô, 13 ô tô, 1 xe độ chế, 4 máy cưa xăng cầm tay, 8.466 kg than hầm…; xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,1 tỉ đồng. Trong năm qua cũng đã xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ trên địa bàn huyện An Lão, gây thương tích cho 2 cán bộ KL. Ngoài ra, năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng trồng, gây thiệt hại gần 7 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn và Hoài Nhơn.
HẠNH NHI