Hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ mới chỉ đạt 50% mục tiêu
Tổng kết 5 năm triển khai Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến 2020, một con số rất đáng quan tâm là có đến 50% mục tiêu của Nghị quyết đề ra đã không đạt được.
Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 đề ra 6 mục tiêu. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, có 3 mục tiêu không đạt được, đó là số lượng doanh nghiệp đến 2020 khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Đến nay cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp hoạt động. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm cũng chưa đạt được. GDP của khu vực tư nhân có xu hướng tăng lên, nhưng không đạt được mục tiêu 48-49% như Nghị quyết đề ra. Các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn, dẫn tới kém hiệu quả.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, doanh nghiệp rất khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ. Chỉ có 2% doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19. Có quá nhiều văn bản chồng chéo, khiến doanh nghiệp rất khó thực thi. Năm 2020, xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực Asean, còn cách khá xa so với Thái Lan và Malaysia.
Hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ, chỉ đạt 50% mục tiêu.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho biết: “Nhiều doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính nhưng còn bị nhũng nhiễu. Một số cán bộ công chức đạo đức công vụ chưa tốt, dẫn đến chi phí không chính thức, hiện tượng tham nhũng vặt vẫn còn. Thứ hai là quyền bình đẳng, các doanh nghiệp vẫn phản ánh doanh nghiệp tư nhân không được đối xử công bằng so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có nguồn gốc từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, hiện nay, 20% doanh nghiệp vẫn bị thanh kiểm tra 2 lần/năm. Việc theo dõi và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ của các bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc. Báo cáo chủ yếu mang tính thống kê. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả. Năng lực của doanh nghiệp còn yếu, đa số doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược dài hạn nên khó hấp thụ được những chính sách hỗ trợ.
“Từ trước đến nay, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chúng ta tập trung quá nhiều vào câu chuyện sản xuất và tạo ra sản phẩm mà chưa chú trọng vào nhiệm vụ trọng tâm là thị trường. Làm thế nào để kết nối được sản phẩm với thị trường. Đây là bài toán mà chúng tôi mong rằng cần tập trung trong giai đoạn tới” - bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Chuyên gia tư vấn dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị.
Theo Thành Trung (VOV1)