Ngày 20.10: Công bố dự thảo văn kiện Đại hội Đảng 13, lấy ý kiến nhân dân
Ngày mai 20.10, toàn bộ dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ 13 của Đảng sẽ chính thức xin ý kiến nhân dân đóng góp ý kiến. Dự thảo văn kiện Đại hội lần này có rất nhiều điểm mới.
GS-TS Phùng Hữu Phú - phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận trung ương - cho biết như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến "Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng", do báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 19.10.
Khách mời là các chuyên gia, nhà lý luận về xây dựng Đảng tại tọa đàm trực tuyến sáng 19.10 - Ảnh: Đ.BÌNH
Nhiều điểm mới
Là người trong Ban soạn thảo dự thảo các văn kiện, theo GS-TS Phú, văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Đó là đòi hỏi khách quan, những gì kế thừa được từ sáng tạo của chính chúng ta bao nhiêu năm qua, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước.
Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.
Về yếu tố dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta bổ sung yếu tố dân chủ, xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí.
Dự thảo nhấn mạnh vấn đề khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc, có ý chí vươn lên.
Phải gắn vận mệnh dân tộc, đất nước mình vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại.
Mục tiêu phát triển phấn đấu đến giữa thế kỉ XXI đưa nước ta phát triển thành nước xã hội chủ nghĩa, thành quốc gia phát triển theo chuẩn mực chung.
"Về phương châm, văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Bác Hồ đã nói 'đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết', giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhất là trong Đảng, chúng ta phải đặc biệt giữ đoàn kết. Muốn có một quốc gia dân chủ thì dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Trong bối cảnh mới, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương là yếu tố cần, nhưng phải thêm yếu tố sáng tạo. Thời gian thay đổi, Đảng phải sáng tạo trên tinh thần kiên định. Đó là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Như vậy, phương châm của Đại hội lần này là đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển", GS-TS Phú nhấn mạnh.
Một điểm mới nữa là xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng nhà nước. Xây dựng chỉnh đốn Đảng là quan trọng nhất nhưng cũng không lơ là việc xây dựng, chỉnh đốn cơ quan nhà nước. Vì nhà nước là cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan đến tồn vong của đất nước, đến cuộc sống của nhân dân.
Vì vậy nhà nước cần trách nhiệm, tận tụy, phục vụ nhân dân, nhà nước phải trong sạch vững mạnh. Mặt trận là tổ chức gần dân nhất, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân thì mặt trận cũng phải trong sạch vững mạnh.
3 đột phá
Theo GS-TS Phùng Hữu Phú, trong chiến lược phát triển đất nước, vấn đề quan trọng là xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, đặc biệt phải chỉ ra các đột phá chiến lược.
Từ Đại hội XI, XII chúng ta đã xác định đúng ba khâu đột phá chiến lược. Đột phá vào thể chế, đột phá vào nguồn nhân lực và đột phá vào hệ thống kết cấu hạ tầng. 10 năm qua, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện các khâu đột phá này đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng đầy đủ.
Lần này, dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định thể chế chính là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó thì hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Nhưng vấn đề là trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.
Dự thảo văn kiện nêu rõ, tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế phát triển để tạo một môi trường thông thoáng hơn, hiệu quả hơn cho sản xuất kinh doanh, cho thu hút đầu tư. Hệ thống thể chế phải làm thế nào để khai thác, phát huy, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực phát triển.
Thể chế phải làm thế nào để khai thác, sử dụng, phát huy tốt hơn nguồn lực. Thể chế làm sao phải phát huy được vai trò tự chủ, sáng tạo của các cấp, các ngành…
Về nguồn nhân lực thì nhấn mạnh phải ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng có định hướng. Phải ưu tiên trong nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, phải có nguồn nhân lực chất lượng cao nằm trong các lĩnh vực then chốt, như khoa học công nghệ, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đặc biệt, nguồn nhân lực không chỉ là có chất lượng và trình độ cao về kỹ thuật mà là nguồn nhân lực chất lượng cao, từ tư tưởng, từ tâm hồn, phải trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của người Việt Nam.
Về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trước đây nói chung chung, nhưng lần này rất rõ trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta nói ưu tiên phát triển một số công trình quốc gia về giao thông và thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo ĐỨC BÌNH (TTO)