Hành động vì trẻ em
Với tinh thần chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, không khí phiên đối thoại của Diễn đàn trẻ em tỉnh lần thứ VIII diễn ra rất gần gũi, thân tình. Hàng chục câu hỏi về các vấn đề thiết thân của các đại biểu trẻ em đặt ra đều được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh trả lời thấu đáo.
Các đại biểu trẻ em đưa ra thông điệp xoay quanh chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” đến lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể.
Trẻ em lên tiếng
Trong phiên đối thoại với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể có trách nhiệm trong công tác trẻ em, các đại biểu trẻ em đã đề cập đến các nhóm vấn đề chính: Phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em; chăm sóc sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ em.
Em Phan Nhật Lễ (Trường THCS Nhơn Hưng, TX An Nhơn), nêu ý kiến: “Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em là vấn đề “nóng”, biện pháp nào để bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại?”. Còn em Nguyễn Đăng Quân (Trường THCS Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), cho rằng học sinh bậc THCS bắt đầu thay đổi tâm sinh lý nên tò mò về tình yêu và tình dục. Do không nắm được kiến thức nên nhiều bạn đã gặp phải những hậu quả đáng tiếc. “Các cô chú có biện pháp gì để giúp chúng em trong lứa tuổi này có được những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân?”, Quân đặt câu hỏi.
Đánh giá đây là vấn đề được tất cả các cấp, các ngành trăn trở, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển cho biết: Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử trong mỗi nhà trường và phối hợp với các đơn vị liên quan, tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện, nhất là những người đến liên hệ hoặc sinh hoạt trong trường học. Đồng thời, Sở cũng đã triển khai cho các trường thành lập tổ tư vấn tâm lý trong trường học và các thầy, cô giáo có nhiệm vụ chia sẻ, hướng dẫn cho các em về những thay đổi tâm sinh lý. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tư vấn nhằm trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng tự nhận biết và tự phòng tránh bị xâm hại tình dục để bảo vệ bản thân.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng rằng: Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục, trong đó 60% là bị xâm hại về tình dục. Tại Bình Định, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 14 vụ/15 bị can phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. “Cơ thể mình là của mình và không ai được đụng chạm vào, nên các em cũng phải học cách bảo vệ cơ thể của mình trước. Bởi đối tượng xâm hại tình dục có thể là bất cứ ai, không chỉ người lạ mà còn có khả năng là những người thân, thường xuyên gần gũi. Các con cần lưu ý không đi một mình ở nơi vắng vẻ, không nhận tiền, quà hoặc sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không có lý do. Đi đâu, làm gì cũng phải xin phép người thân trong gia đình. Khi nhận biết người quen có dấu hiệu hành vi xâm hại thì cần báo với cha mẹ, thầy cô. Khi truy cập thông tin internet, các em cẩn trọng trong việc kết bạn, chia sẻ thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo”, ông Hùng khuyến cáo.
Cũng theo ông Hùng, để công tác bảo vệ trẻ em đạt hiệu quả hơn nữa, cần nhất là sự quan tâm, phối hợp của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em, đừng để các em trở thành tội phạm cũng như nạn nhân của những vụ án xâm hại tình dục.
Các đại biểu trẻ em nêu ý kiến tại buổi đối thoại.
Tạo môi trường lành mạnh, an toàn
Có thể thấy, phiên đối thoại trong khuôn khổ của Diễn đàn trẻ em tỉnh lần thứ VIII là một chương trình ý nghĩa, không chỉ giúp thiếu nhi được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm đối với các cấp lãnh đạo mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, ngành và bản thân các em về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Nguyễn Thị Thu Thảo bày tỏ: “Chúng em mong muốn hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn, để những tâm tư của chúng em luôn được lắng nghe và tôn trọng. Từ đó, chúng em luôn được bảo vệ và có môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển”.
Trên tinh thần “Trẻ em lên tiếng - Trẻ em khởi xướng - Trẻ em cùng hành động”, các đại biểu trẻ em đã gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể 10 thông điệp của Diễn đàn. Em Lê Võ Ngân Hà (đơn vị huyện Phù Mỹ), chia sẻ: “Chúng em mong muốn rằng những thông điệp này sẽ luôn được các bác lãnh đạo quan tâm để đưa ra định hướng, kế hoạch hay tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới”.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá các ý kiến của các đại biểu trẻ em rất sát với thực tế, liên quan cấp thiết đến vấn đề trẻ em hiện nay và nhắc nhở các em cần biết yêu thương gia đình, cố gắng thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy để có tương lai tươi sáng. Từ các ý kiến của trẻ em, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tổ chức tiếp xúc, đối thoại với trẻ em để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ; tăng cường mối quan hệ trẻ em với gia đình, nhà trường và toàn xã hội. “Người lớn hãy thể hiện trách nhiệm với trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hãy để những thông điệp mà trẻ em gửi gắm hôm nay đi vào cuộc sống chứ không chỉ nhận ở hội nghị này là xong”, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
HỒNG PHÚC