Tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường tết: Thận trọng!
Việc đầu tư tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường trong dịp tết nhằm nâng cao thu nhập, tăng giá trị chăn nuôi là điều bình thường, đến hẹn lại lên. Nhưng năm nay, trong bối cảnh bình thường mới, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương khuyến cáo phải thận trọng, đảm bảo an toàn và hiệu quả; khuyến cáo này cũng được người dân lắng nghe kỹ hơn mọi năm.
Đàn heo của ông Lê Xuân Quang, ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) được chăm sóc chu đáo.
Hiện người dân ở các địa phương trong tỉnh đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm trong dịp tết. Trái với mọi năm, đã không có chuyện phát triển đàn ồ ạt, theo kinh nghiệm, ngược lại tất cả đều rất thận trọng. Ông Lê Xuân Quang, một người nuôi heo chuyên nghiệp, chủ trại nuôi heo quy mô lớn ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) chia sẻ: Nhu cầu tiêu dùng thịt heo vào dịp cuối năm luôn tăng cao, nhưng trong điều kiện thời tiết bất lợi, các loại dịch bệnh nguy hiểm dễ phát sinh, lúc này mà mở rộng quy mô, phát triển mạnh đàn heo là mạo hiểm. Vì vậy, sau khi xuất bán lứa heo 1.500 con, tôi chỉ mua lại đúng 1.500 con heo giống từ các DN chuyên sản xuất heo giống có uy tín về nuôi. Đàn heo là tài sản lớn, nên tôi chăm sóc kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh!”.
Ngay cả các hộ chăn nuôi gia cầm cũng rất thận trọng trong phát triển đàn. Dẫn chúng tôi tham quan trang trại trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi gà, ông Tống Vinh Quang, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân cho biết, dịp tết, nhu cầu tiêu thụ thịt gà cao hơn ngày thường rất nhiều. Nhưng những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh dễ phát sinh, nếu lơ là sẽ bị trả giá ngay. Hơn nữa do việc phát triển đàn heo gặp khó khăn, nhiều tháng qua việc cung cấp thịt heo có trở ngại nên nhiều người tính đến chuyện nuôi gà để bù vào vì vậy rất dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Do đó, đợt này ông chỉ thả nuôi 1.000 con gà theo phương pháp an toàn sinh học. Trước khi mua và thả nuôi, đúng theo quy định, ông đều thông báo với chính quyền và ngành thú y địa phương biết về nguồn gốc xuất xứ và số lượng gà giống. Ngoài kinh nghiệm tích lũy, tôi còn thường xuyên nhờ cán bộ thú y tư vấn, hướng dẫn thêm quy trình chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa.
Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường tăng cao, thị trường tiêu thụ thoáng hơn sẽ dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, vi rút các loại dịch bệnh nguy hiểm có cơ hội xâm nhiễm. Hơn nữa, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao ít nhiều ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển GSGC.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), cho biết: Hiện đàn bò của tỉnh ổn định với 300 nghìn con; đàn gia cầm 8,5 triệu con, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước và đàn heo 1,1 triệu con, tăng 7%. Người dân chủ yếu sử dụng giống GSGC hiện có hoặc mua tại các cơ sở sản xuất giống uy tín trong tỉnh về nuôi. Trước khi mua hoặc bán GSGC, các hộ dân đều thông báo với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại địa phương để kiểm tra, chứng nhận. Công tác phòng chống dịch bệnh cũng đã được chú trọng. Ngoài 2 loại vắc xin do tỉnh hỗ trợ, người dân còn mua thêm nhiều loại vắc xin khác để tiêm phòng cho đàn GSGC, nên số lượng vật nuôi được tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Để đảm bảo an toàn cho đàn GSGC, Chi cục sẽ tăng cường lực lượng Thú y tại Trạm Kiểm dịch động vật trên các tuyến quốc lộ, kiểm tra giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển GSGC ra vào tỉnh. Mặt khác, phối hợp với các địa phương xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y cho thị trường.
PHẠM TIẾN SỸ