MÔ HÌNH GIAN HÀNG TỪ THIỆN Ở HUYỆN TÂY SƠN:
Thiết thực, tiết kiệm và sẻ chia
Trên địa bàn huyện Tây Sơn hiện có 8 gian hàng đồ cũ từ thiện do Hội Phụ nữ xây dựng rất được người dân đồng tình hưởng ứng bởi tính mới mẻ và thiết thực. Các gian hàng này đã được duy trì hiệu quả qua nhiều năm với sự chung tay của cộng đồng.
Cửa hàng đồng giá 2.000 đồng (thôn Hòa Trung - xã Bình Tường) luôn chăm chút để những món đồ tươm tất, ấm áp.
Tại xã Tây Xuân, mô hình Gian hàng từ thiện “Người thừa đến ủng hộ, người thiếu đến lấy” (do Hội LHPN xã thành lập) ra mắt hồi tháng 7.2016. Ủng hộ một hình thức thiện nguyện còn khá mới mẻ khi đó, chính quyền thôn Phú An đã tạo điều kiện thuận lợi khi bố trí một căn phòng riêng để mô hình tổ chức phục vụ cũng như làm kho chứa. Gian hàng mở cửa cố định vào sáng thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần.
Chị Huỳnh Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Xuân cho hay, tuy tâm huyết song ban đầu Hội cũng khá lo lắng về hiệu quả và thời gian duy trì bởi nguồn đồ tặng chủ yếu khai thác tại địa phương, không biết có đủ dồi dào để cung ứng lâu dài không.Thật mừng là mô hình đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Nhờ đó, nguồn đồ đảm bảo được số lượng và chất lượng, ngoài phục vụ thường xuyên tại chỗ chương trình còn tổ chức được 4 chuyến đi tặng cho người dân khó khăn ở làng Cam (vùng đồng bào Bana thuộc xã Tây Xuân).
Ra đời sau, có cách làm khác trong tổ chức hoạt động, mô hình tại xã Bình Tường có tên là Cửa hàng đồng giá 2.000 đồng, do Chi hội phụ nữ thôn Hòa Trung xây dựng. Mô hình được một gia đình hội viên phụ nữ tâm huyết với phong trào là chị Cao Lý Kim Dung cho đặt tại nhà và phụ trách chính về phục vụ, quản lý. Ngay cạnh các kệ đựng đồ là một thùng kính nhỏ đựng tiền dán chữ về mô hình. Mỗi “khách hàng” khi chọn mua các món đồ sẽ tự đến đó để “thanh toán”… 2.000 đồng. Nguồn thu này là để giúp đỡ, động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Lần khui quỹ gần nhất, mô hình đã thu được trên 1 triệu đồng, tặng 10 chiếc cặp đi học cho học sinh dịp khai giảng năm nay.
Chị Trần Thị Bích Mai, chi hội trưởng phụ nữ thôn Hòa Trung chia sẻ, các tình nguyện viên phục vụ mô hình được khích lệ khi người nhận thiện cảm gọi đó là cửa hàng đồ cũ tình thương của phụ nữ. Nhờ có được vị trí thuận lợi, cùng với thái độ phục vụ vui vẻ, nhiệt tình, tôn trọng, nên cửa hàng luôn thu hút “khách” mỗi ngày.
Đặc biệt, mô hình cửa hàng có trả phí, dù với trị giá rất nhỏ, đã tạo cảm giác thoải mái ở người nhận. Người đến với cửa hàng không phải trong tâm thế đi xin đồ và người của mô hình cũng phải có trách nhiệm, ý nhị trong phục vụ. Việc lấy thành quả của san sẻ để tiếp tục san sẻ càng phát huy tính nhân văn, cộng đồng của mô hình, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Từ cửa hàng ý nghĩa này, chị Dung được dịp cảm nhận nhiều chuyện cảm động. Mới đây, một giáo viên đã liên hệ, hỏi xin cửa hàng vài bộ đồng phục cho một học sinh nghèo người dân tộc thiểu số ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn). Nhà trường đã vận động thành công học sinh bỏ học này quay trở lại trường, sách vở, dụng cụ học tập đã được giúp, còn thiếu đồng phục. Lời đề nghị hỗ trợ đó tất nhiên được cửa hàng đáp ứng ngay.
Có cậu bé nhà nghèo đến cửa hàng nhiều lần, chị Dung nghĩ cháu không có tiền nên bảo cứ chọn đồ, cửa hàng sẽ tặng, nhưng em chỉ cười. Lần đến sau cùng, ánh mắt cậu bé như sáng bừng lên khi bắt gặp một chiếc đầm hoa còn mới và nhanh chóng chọn nó. “Thì ra cháu đã đi tìm, chờ đợi một chiếc đầm ưng ý để tặng mẹ mình. Cháu đã để dành tiền ăn quà và may mắn, chiếc đầm đến kịp cho cháu tặng mẹ dịp sinh nhật. Mỗi khi cùng chị em đi tiếp nhận hay chuẩn bị đồ cho một lần phục vụ mới, tôi lại nhớ đến cháu và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn”, chị Dung chia sẻ.
Có thể thấy, các cửa hàng đồ cũ từ thiện ở Tây Sơn đã được duy trì, phát huy ý nghĩa từ nguồn lực ở địa phương chia sẻ với nhau nên chủ động, ấm áp, nghĩa tình. “Cũ người mới ta”, mô hình cùng với ý nghĩa từ thiện, nhân đạo, những món đồ cũ nghĩa tình còn truyền đi thông điệp về thói quen tốt tiết kiệm và lòng nhân ái, sẻ chia.
SAO LY