Làng chiếu cói Hoài Châu Bắc vào mùa
Những ngày mùa này, người làm nghề chiếu cói xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) đang bận rộn vào vụ thu hoạch, sắp xếp nguyên liệu để sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng dịp cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ái bên máy dệt chiếu tại cơ sở sản xuất ở thôn Gia An Đông.
Chiếu cói làm theo mùa, tập trung nhất là từ tháng 7 âm lịch cho đến cuối năm, đây là cao điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết của người dân trong và ngoài tỉnh. Thường từ lúc 3 giờ sáng người làm chiếu ra đồng để chặt cói, bó thành từng lọn và cắt bỏ phần ngọn rồi đo, phân loại thành những bó dài ngắn khác nhau. Khi chặt xong cũng là lúc mặt trời vừa lên thì đến công đoạn chẻ cói và đem đi phơi, có người dựng lán, chẻ tại ruộng, cũng có người đem về nhà. Hôm nào trời nắng gắt thì phơi khoảng 2 ngày, còn nếu trời âm u thì phơi 3 - 4 ngày mới khô sau đó đem đi nhuộm rồi phơi lại một lần nữa để cất hoặc bắt đầu công đoạn dệt. Cứ 20 kg cói tươi phơi được 2 kg khô thì làm ra được một tấm chiếu.
Trước đây, chiếu được dệt bằng tay cho năng suất thấp, chỉ từ 2 - 4 chiếc/người/ngày. Từ năm 2009, được UBND xã hỗ trợ kinh phí đầu tư, khoảng 80 trong tổng số 300 hộ làm nghề dệt chiếu đã mua máy nâng cao năng suất. Theo nhiều thợ dệt chiếu, máy dệt chiếu chủ yếu mua từ tỉnh Đồng Tháp về, cùng với chuyện dệt nhanh, máy còn giúp thợ dệt được nhiều mẫu mã phong phú hơn (chiếu hoa râm, chiếu gấm, chiếu vảy ốc, chiếu long phụng…), đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mẫu mã phong phú, chất lượng cao, khách hàng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ ổn định là những nền tảng tốt để nghề dệt chiếu ở Hoài Châu Bắc có việc quanh năm.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ái - 38 tuổi, thôn Gia An Đông, cho biết: “Tôi theo nghề này từ lúc còn bé, nhưng tầm 10 năm qua, nghề dệt chiếu mỗi năm một khá. Nguồn nguyên liệu địa phương không đáp ứng đủ, nhiều chủ cơ sở phải mua nguyên liệu từ các nơi khác về để sản xuất. Tính ra tổng thời gian để làm ra một chiếc chiếu chỉ mất khoảng 1 giờ; dịp cuối năm đơn hàng nhiều, tôi tranh thủ dệt cũng được 10 - 12 chiếc/ngày. Thu nhập từ đây đủ cho chi phí hằng ngày cho gia đình, quan trọng hơn là mình có việc làm ổn định, chủ động sắp xếp được thời gian”.
Những tháng cao điểm cuối năm, hầu hết các cơ sở kinh doanh, hộ gia đình làm chiếu đều thuê mướn thêm nhân công. Bà Huỳnh Thị Luận, 78 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất chiếu ở thôn Gia An, cho biết: Ngoài số nhân công là người trong gia đình, tầm này, cơ sở của tôi thuê thêm 3 - 5 người dệt chiếu và may biên. Tiền công được trả theo sản phẩm. Mỗi lao động thu nhập dao động từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày.
Ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, cho biết: Làm chiếu cói là nghề thủ công truyền thống đã có từ lâu đời, cũng là một trong những ngành nghề có đóng góp kinh tế cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và đã được công nhận là một trong những làng nghề thủ công truyền thống của địa phương hiện nay.
VĂN THỊ MỸ MẠNH