Nhiều thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu: Khẩn trương khắc phục
Ðến nay, Bình Ðịnh có 100% tàu cá (3.183 tàu) có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản. Trong quá trình hoạt động, nhiều tàu bị mất tín hiệu giám sát hoặc tín hiệu chập chờn, không thể truyền tin nhắn về bờ theo quy định. Ngành Thủy sản đang phối hợp các đơn vị cung cấp thiết bị xử lý dứt điểm tình trạng này.
Theo luật định, thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá đồng bộ tự động nhắn tin qua hệ thống vệ tinh về trạm bờ với tần suất 2 giờ/lần (đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên) và 3 giờ/lần (đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m). Tuy nhiên, thiết bị GSHT tàu cá thường bị mất tín hiệu hoặc tín hiệu chập chờn, không truyền tin nhắn về trạm bờ theo tần suất quy định.
Thiết bị hoạt động chập chờn
Ngư dân Trần Minh Hiệp, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn) chủ 2 tàu cá BĐ 97405-TS, BĐ 95036-TS, cho biết: “Tàu tôi lắp thiết bị GSHT hiệu Vifish.18 của Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn. Trong chuyến biển vào tháng 9 vừa rồi, cả 2 tàu đang hoạt động trên biển thì tín hiệu chập chờn, nhắn tin vào bờ lúc được, lúc không; nhân viên kỹ thuật của nhà cung cấp phải liên hệ với thuyền trưởng của 2 tàu hướng dẫn khắc phục sự cố. Nhưng đến nay vẫn không chắc có ổn định lâu dài hay không”.
Cán bộ kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn theo dõi tàu cá hoạt động trên biển qua phần mềm dữ liệu để hỗ trợ ngư dân xử lý các sự cố về thiết bị GSHT.
Nhiều tàu cá lắp thiết bị GSHT của VNPT cũng gặp sự cố tương tự. Ngư dân La Thành Sơn, cũng ở phường Hoài Hương, chủ 2 tàu cá BĐ 97062-TS, BĐ 97463-TS, kể: “2 tàu của tôi đều lắp thiết bị GSHT hiệu Thuraya SF2500 của VNPT. Mấy chuyến gần đây, thiết bị GSHT nhắn tin về bờ không đủ tần suất như cài đặt, quy định. Việc này khiến chúng tôi gặp khó khăn khi làm thủ tục để được hỗ trợ nhiên liệu, vì không đủ tin nhắn theo quy định. Đề nghị làm rõ điểm này để tránh làm ngư dân thiệt thòi!”.
Theo các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị GSHT, có nhiều nguyên nhân khiến thiết bị mất tín hiệu hoặc tín hiệu chập chờn, như: Nguồn điện yếu; đứt dây kết nối; ăng ten của máy GSHT và máy thông tin liên lạc VX-1700 đặt quá gần nhau, khi hoạt động cùng lúc sẽ gây nhiễu sóng…
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), có 7 đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá của ngư dân Bình Ðịnh, gồm: Trung tâm kinh doanh VTC (Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT) 1.842 máy; Ðài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn (Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam - VISHIPEL) 1.287 máy; Tập đoàn viễn thông Quân đội - Viettel 38 máy; Công ty TNHH Công nghệ tự động hóa LTRẦN 10 máy; Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh 3 máy; Công ty TNHH Zunibal Việt Nam 2 máy; Công ty CP Thiết bị Ðiện - Ðiện tử Bách Khoa 1 máy.
Ông Lê Tiến Thịnh, Tổ trưởng kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, cho biết: “Nhiều trường hợp tín hiệu GSHT chập chờn, tàu báo về thì phần mềm của chúng tôi vẫn nhận đủ tin nhắn, song cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thủy sản lại không ghi nhận như vậy. Để kịp thời xử lý sự cố về thiết bị GSHT, đơn vị bố trí nhân viên kỹ thuật trực 24/24 giờ để hướng dẫn ngư dân khắc phục qua số điện thoại 0256.3891.322 và tần số 7927 KHz”.
Theo ông Hà Đăng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VTC, đơn vị đang lên phương án để trình Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho phép rút ngắn thời gian truyền tin nhắn của thiết bị GSHT về bờ với tần suất 1 giờ/lần đối với tàu cá từ 24 m trở lên và 2 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m, nhằm hạn chế tình trạng tin nhắn báo chậm khi tín hiệu chập chờn.
Quản lý chặt chẽ hơn
Thống kê của Chi cục Thủy sản, 9 tháng đầu năm nay, có 1.049 tàu bị mất tín hiệu kết nối thiết bị GSHT khi đang ở vùng biển xa với hơn 4.700 lượt mất tín hiệu. Theo quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu GSHT do UBND tỉnh ban hành hồi tháng 6.2020, với trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối thì chủ tàu, thuyền trưởng phải sớm khắc phục và sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá báo cáo hành trình tàu theo tần suất 6 giờ/lần. Trong thời hạn 10 ngày, nếu tàu chưa khắc phục được sự cố về thiết bị GSHT thì buộc phải quay về bờ, nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Dù vậy đến nay, điều đáng lưu ý khi nhắc về nguyên nhân chập chờn, chưa đơn vị nào đặt ra vấn đề chất lượng của thiết bị.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình cho hay: “Chi cục phân công cán bộ trực Trạm bờ 24/24 giờ để theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu thiết bị GSHT để tiếp nhận thông tin, phát hiện và xử lý kịp thời tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển; tàu cá vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam trên bản đồ điện tử thiết bị GSHT”.
Cùng với việc tăng cường quản lý chặt chẽ tàu cá qua hệ thống GSHT, Sở NN&PTNT đã cập nhật thêm các quy định Luật Thủy sản, các văn bản dưới luật có liên quan để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về thực hiện một số chính sách theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Theo quy định này, tàu cá có 2 chuyến biển liên tiếp hoạt động trên biển không bật thiết bị GSHT, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT 2 lần trở lên/chuyến biển thì sẽ không được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 48 trong 1 năm. Tàu cá bị cảnh báo vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam trên bản đồ điện tử của hệ thống giám sát tàu cá từ 2 lần trở lên/chuyến biển cũng sẽ không được hỗ trợ trong 1 năm.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN