Từ nay đến cuối năm: Bình Ðịnh sẽ hứng ít nhất 1-2 cơn bão
Ðặc biệt, trong 10 ngày tới, Bình Ðịnh có mưa cục bộ tại một vài địa phương với lượng mưa trung bình từ 50 - 70 mm/ngày. Ông Lương Ngọc Lũy, Phó Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh về những dự báo thiên tai trong tỉnh.
● Thời tiết tại tỉnh Bình Định trong 10 ngày tới sẽ như thế nào, thưa ông?
- Vừa rồi bão vô liên tục, mưa lớn dồn dập và kéo dài với lượng mưa phổ biến từ 2.000 - 3.000 mm tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Hà Tĩnh khiến các địa phương này lũ lụt, gây thiệt hại nặng nề. Riêng tỉnh ta chưa bị ảnh hưởng gì nhiều, lượng mưa cũng ít, nước trên các sông ở mức dưới báo động I.
Nhưng trong 10 ngày tới (từ nay đến ngày 31.10), dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13-16 độ vĩ Bắc nối với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines có khả năng mạnh lên thành bão và đến khoảng ngày 23 - 24.10 sẽ di chuyển vào đất liền, ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Trung Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung bộ và phía Đông Bắc bộ. Do ảnh hưởng của cơn bão này, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh sẽ có mưa to đến rất to, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên, mực nước trên các sông lên mức báo động III, nhiều khả năng xuất hiện lũ đặc biệt lớn. Sau ngày 25.10, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có khả năng xảy ra mưa lớn trở lại, diễn biến mưa lớn phụ thuộc vào diễn biến của cơn bão sắp tới.
Riêng tại Bình Định, 10 ngày tới sẽ có mưa nhiều nơi, ở một vài địa phương trong tỉnh sẽ có mưa cục bộ, mưa to đến rất to với lượng mưa trung bình từ 50 - 70 mm/ngày, nhưng nước của các sông cũng chưa lên cao, vẫn ở mức báo động I-II.
●Theo dự báo, về cuối năm thời tiết sẽ còn nhiều diễn biến cực đoan, ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?
- Theo dự báo từ nay đến cuối năm, khả năng trên Biển Đông sẽ xuất hiện từ 4 - 6 cơn bão và ATNĐ; trong đó, có 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam. Tỉnh Bình Định sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất từ 1 - 2 cơn bão.
Cán bộ Đài KTTV tỉnh quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn để dự báo thời tiết.
Cùng với đó, các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung trong thời điểm nửa cuối tháng 10 - 11.2020, đặc biệt khu vực Trung Bộ và Nam Trung bộ. Dự báo năm nay, mùa mưa ở khu vực tỉnh Bình Định sẽ kết thúc muộn vào giữa tháng 12.2020, các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực Bình Định sẽ diễn ra từ tháng 11 đến đầu tháng 12.2020, tổng lượng mưa trong tháng 11 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50% (145 - 775 mm), đến tháng 12 lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 35% (145 - 290 mm); khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ vừa và lớn, đỉnh lũ cao nhất ở mức báo động II - III, có nơi trên báo động III; các sông, suối nhỏ khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
● Ở góc độ chuyên môn ông có khuyến cáo nào đối với ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người dân trong tỉnh để chủ động ứng phó?
- Với những dữ kiện, thông tin dự báo nêu trên, chúng tôi khuyến cáo ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người dân trong tỉnh cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo thời tiết để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đặc biệt, các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài từ nửa cuối tháng 10 - 12.2020 sẽ gây ra các đợt lũ quét, sạt lở đất nên cần có phương án di dời người và tài sản tại các vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất đá đến nơi an toàn.
Riêng trên biển, do ảnh hưởng của bão và ATNĐ, cộng với các đợt không khí lạnh tăng cường nên ngư dân cần chủ động phòng ngừa, không hoạt động khi có cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; đề phòng mưa giông, lốc, sét và gió giật mạnh khi đang hoạt động trên biển. Tại các vùng ven biển trong đất liền cần đề phòng ảnh hưởng của bão và ATNĐ gây sóng lớn làm sạt lở đê sông, đe biển.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc:
Đã bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ dân
“UBND huyện và các địa phương đã chủ động sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) theo phương châm “4 tại chỗ”. Huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ di dời 1.285/2.324 hộ nằm trong vùng ngập trũng, chủ yếu tập trung tại các xã phía Bắc của huyện, như: Ân Hảo Ðông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín đến nơi an toàn khi có đỉnh lũ ở mức báo động II - III. Ðồng thời, chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho 22 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn huyện”.
Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công:
Chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu thuyền
“Toàn thị xã có 2.300 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong số này có khoảng 800 tàu hoạt động và neo đậu ngoài tỉnh, còn lại 1.500 tàu về neo đậu trú tránh bão tại cảng cá Tam Quan. Cùng với các phương án đảm bảo an toàn cho người dân sống tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất đá khi có mưa bão, UBND thị xã chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Tam Quan phối hợp lực lượng BÐBP, UBND phường Tam Quan Bắc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Tam Quan”.
● Xin cảm ơn ông!
BẢO MINH (Thực hiện)