Bão táp và lụt lạo
Hẳn nhiều người sẽ băn khoăn về nghĩa của các yếu tố “táp”, “lạo” trong hai từ trên. Thậm chí, không ít người còn cho đây là những yếu tố mờ nghĩa, mất nghĩa. Thật ra, “táp” và “lạo” là các yếu tố gốc Hán và đều có nghĩa cụ thể. Vào tiếng Việt, chúng ít được dùng nên dần trở nên xa lạ.
“Táp” thuộc bộ phong (liên quan đến gió), có các nét nghĩa “gió mạnh, thổi tung lên, tiếng vù vù [của gió]. Với nghĩa này, trong tiếng Việt, “táp” thường kết hợp với “gió” như trong thành ngữ “gió táp mưa sa”. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã vận dụng linh hoạt thành ngữ này khi để tả nét tài hoa của đôi tay nàng Kiều lúc đề thơ (Tay tiên gió táp mưa sa/ Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu), khi để thể hiện uy phong lẫm liệt của chàng Từ Hải (Đòi phen gió táp mưa sa/ Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam), khi để ẩn dụ cho những vùi dập của cuộc đời (Bấy chầy gió táp mưa sa/ Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn).
“Lạo” thuộc bộ thủy (liên quan tới nước), có nghĩa “mưa lụt, ngập lụt”. Trong Bắc hành tạp lục, cụ Nguyễn Du có nhiều bài viết về nạn lụt ở Trung Hoa mà mình tận mắt chứng kiến trên hành trình đi sứ, trong đó có “Hoàng Hà trở lạo” (tạm dịch: nghẽn đường do nước lụt Hoàng Hà). “Lụt lạo” là một tổ hợp đẳng lập chứ không phải từ láy, cũng như các từ “lũ lụt”, “lụt lội”. Trong tiếng Việt, còn có từ “ủy lạo”. Đây là một từ gốc Hán, trong đó, “ủy” thuộc bộ tâm, có nghĩa “an ủi, vỗ về”; “lạo” thuộc bộ lực, cũng có nghĩa “an ủi”.
Cũng cần nói thêm, “bão” không phải là một từ thuần Việt. Đây cũng là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ “bão” thuộc bộ nhật, có nghĩa là… “bão”. “Vũ bão” vốn là “mưa bão”, rồi được chuyển nghĩa để chỉ “khí thế mạnh mẽ, dồn dập trên quy mô lớn”. Trong tiếng Việt, còn có yếu tố “bão” gốc Hán với nghĩa “ôm giữ” (bộ thủ), như trong từ “hoài bão” (“hoài” thuộc bộ tâm, cũng có nghĩa “ôm chứa”).
Th.S PHẠM TUẤN VŨ