Sạt lở núi ập xuống Đồn Biên phòng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ thoát nạn
Tại tỉnh Quảng Bình vừa xảy ra vụ lở núi đổ sập xuống Đồn Biên phòng Quốc tế Cửa khẩu Cha Lo, làm sập Hội trường, Nhà chỉ huy và hư hỏng nhiều tải sản khác.
Rất may, các cán bộ, chiến sỹ đã chủ động di chuyển trước khi xảy ra sự cố. Trong khi đó, đợt mưa lũ lớn tại tỉnh Quảng Bình đã làm gần 100.000 nhà dân bị ngập. Tỉnh Quảng Bình tiếp tục huy động lực lượng sơ tán, cứu trợ dân vùng lũ.
Cả khối nhà Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo rạn nứt, chờ sập.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy Trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, tối 19.10, một quả đồi sau lưng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, huyện miền núi Minh Hóa bất ngờ sạt lở, đổ ập xuống. Chiều cao khối sụt trượt từ mặt đường lên mặt núi lở khoảng 150 mét. Vụ sạt lở phá hủy Hội trường, Nhà chỉ huy và một số khu nhà chức năng của Đồn Biên phòng như: khu nhà ăn và nhà vệ sinh bị hư hại. Quốc lộ 12A đoạn đi qua Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo bị hỏng nặng, mặt đường bị xé nát hoàn toàn, giao thông nối với nước bạn Lào hoàn toàn tê liệt.
Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy Trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, khi xuất hiện vết nứt trên núi sau lưng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, các cán bộ, chiến sĩ đã chủ động di chuyển lên Trạm kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và nơi khác để trú tránh.
Khu nhà Chỉ huy, Hội trường Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình bị sập do sạt lở núi
Đại tá Trịnh Thanh Bình cho biết: “Có tiếng động lớn, một số nhà của Đồn bị sụt lún, đổ sập như hội trường và nhà Chỉ huy hiện tại đang còn bị nghiêng và có hiện tượng bị đổ. Trong đồn chỉ còn lại các khu nhà ăn và nhà vệ sinh. Về cơ bản thì Đồn đã chủ động di dời sớm, cơ bản đảm bảo an toàn về người phương tiện. Ngoài ra, Đồn cùng với Chính quyền địa phương để tổ chức di dời một bản Cha Lo ở gần đó với 34 hộ, 127 nhân khẩu về vị trí an toàn”.
Chiều 20.10, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Bình đạt đỉnh và đang rút chậm, nhiều nơi còn ngập nặng và bị cô lập. Gần 100.000 nhà dân bị ngập, 28.500 hộ dân phải sơ tán tránh lũ. Hầu hết 57 thôn bản, thuộc 7 xã dọc tuyến biên giới 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa bị chia cắt, cô lập do sạt lở đất tắc đường.
Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đã thông tuyến trở lại, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường sắt Bắc- Nam tiếp tục ngập sâu, sạt lở nhiều điểm, giao thông bị ách tắc. Trưa nay, đường sắt Bắc Nam đoạn qua thành phố Đồng Hới đi ra phía Bắc đã thông tuyến, chuyến tàu SE8 bị kẹt lại ga Đồng Hới đã tiếp tục hành trình. Riêng đoạn từ thành phố Đồng Hới đi TP Hồ Chí Minh vẫn còn ách tắc do sạt lở và ngập lụt nhiều đoạn ở huyện Lệ Thủy.
Ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Quảng Bình cho biết, khu gian đường sắt Mỹ Đức- Phú Hòa, huyện Lệ Thủy bị ngập sâu kéo dài hơn 1 km. Trong đó, cầu đường sắt Thạch Bàn tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy bị nước lũ chảy xiết, xói lở mố cầu và ăn sâu vào một nửa đường sắt. Đơn vị huy động toàn bộ lực lượng phượng tiện, dùng rọ thép, thả đá bảo vệ công trình, chờ nước rút để khắc phục.
“Bây giờ nước đang cao, mưa lớn và gió mạnh nên Công ty Cổ phần Đường sắt Quảng Bình đang kiểm tra, riêng tại cầu Thạch Bàn hiện nước ngập cao quá. Đơn vị có phương án đóng cọc, thả rọ thép, thả đá học cho an toàn. Chờ nước rút kiểm tra được ở dưới như thế nào để thi công mới quyết định được thời gian trả lại mặt đường”, ông Trần Ngọc Sơn nói.
Theo Đình Thiệu-Tuyết Lê (VOV)