Thắt chặt quy định đeo khẩu trang tại các tỉnh thành đông dân cư
Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly và theo dõi sức khỏe với người nhập cảnh trong 28 ngày. Tuy nhiên, thời gian qua có nơi chưa thực hiện tốt.
Sau gần 50 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tại nhiều địa phương đang có tình trạng lơ là phòng chống dịch. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu các địa phương củng cố lại lực lượng và tất cả biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và nơi tập trung đông người.
Từ thực tế có trường hợp thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày, Bộ Y tế đã đưa ra nguyên tắc cách ly và theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh phải đủ 28 ngày. Tuy nhiên, thời gian qua có nơi chưa thực hiện tốt việc theo dõi y tế đối với các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung 14 ngày. Đây cũng là lý do khiến nguy cơ dịch Covid-19 có thể xâm nhập cộng đồng, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước và đón các chuyên gia nhập cảnh. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết mùa Đông, Xuân thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở nước ta vẫn hết sức thường trực vì có thể lây lan do những trường hợp nhập cảnh trái phép, các địa phương cần hết sức lưu ý, kể cả những trường hợp nhập cảnh hợp pháp cũng có thể mang theo mầm bệnh về cộng đồng. Nguy cơ là thường trực vì trước đó, mầm bệnh đã ở cộng đồng”.
Theo chuyên gia y tế, các địa phương cần duy trì thực hiện tốt thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập đồng người - Khai báo y tế” kể cả khi không ghi nhận Covid-19 trong cộng đồng. Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành những tiêu chí cụ thể để đơn vị, địa phương tự đánh giá năng lực đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các tỉnh, thành phố đông dân cư, hoặc nhiều chuyên gia nước ngoài đến, như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa cần áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đến nơi công cộng, tập trung đông người, như TP Hồ Chí Minh đang thực hiện.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: “Khẩu trang là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng lây nhiễm từ người này sang người kia nếu có mầm bệnh. Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ xây dựng những hướng dẫn rất cụ thể khi nào cần đeo khẩu trang, đeo khẩu trang vào lúc nào, trong những trường hợp nào đeo khẩu trang để người dân có thể sử dụng khẩu trang đúng lúc, đúng thời điểm và đúng những nơi, làm sao tăng hiệu quả nhất cho việc sử dụng và phòng chống lây nhiễm Covid-19”.
Theo Văn Hải (VOV1)