Cả nước vẫn thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non công lập
Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở GDMN công lập (đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non).
Một lớp học dành cho con công nhân tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM
Ngày 21.10, tại tỉnh Hà Nam, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, ngày 9.2.2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với thế hệ mầm non của đất nước, được toàn xã hội quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện.
Việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm của GDMN thấp; mạng lưới trường lớp manh mún, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất thiếu thốn; tỷ lệ phòng học nhờ, học mượn rất cao (nhiều cơ sở GDMN phải mượn nhờ nhà văn hóa của thôn xã, nhà dân, kho hợp tác xã; nhiều nơi phòng học là vách tre, mái lá); giáo viên thiếu trầm trọng, chế độ chính sách cho giáo viên không đảm bảo. Đặc biệt là việc huy động trẻ đến trường rất khó khăn, nhất là trẻ em ở vùng núi cao, vùng sông nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng chính quyền, các tổ chức xã hội và toàn xã hội, sự nỗ lực của ngành giáo dục, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tạo nên diện mạo mới đối với giáo dục mầm non.
Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, mỗi phường xã có ít nhất 1 trường mầm non công lập. Tổng số trường tăng khoảng trên 2.600 trường so với năm 2010. Cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường: cả nước hiện có 201.605 phòng học, (số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng). Đội ngũ giáo viên mầm non được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được đảm bảo.
Theo Bộ GD-ĐT, toàn ngành hiện có gần 365.000 giáo viên mầm non. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82 giáo viên/lớp. Giáo viên mầm non từ chỗ phần lớn chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, thậm chí có nơi chỉ được chi trả bằng thóc lúa, cuộc sống rất bấp bênh thì đến nay tất cả giáo viên mầm non đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước
Tổng số trẻ mầm non được đến trường là trên 5,3 triệu trẻ em (10 năm qua, tăng 1,5 triệu trẻ), tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt 99,96%. “Tệ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,96% là con số ấn tượng. Hội nghị tổng kết 10 năm để đánh giá cụ thể những kết quả, có giải pháp cho những năm tới. Giai đoạn trẻ mầm non 5 tuổi là rất quan trọng, tạo tiền đề cho trẻ và lớp 1. Vì thế, các em cần được chuẩn bị kỹ về tâm lý, nhận thức trước khi vào lớp 1”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, tới đây chúng ta sẽ tiến hành phổ cập trẻ mầm non dưới 5 tuổi, sẽ có nhiều khó khăn vì trẻ mầm non ở vùng khó khăn, các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Sẽ phải có thêm các đề án để phổ cập GDMN trẻ 4 tuổi (chưa tiến hành được phổ cập GDMN dưới 3 tuổi).
Bên cạnh những kết quả ấn tượng, báo cáo do ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra GDMN còn nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là chưa quan tâm quy hoạch trường, lớp, quỹ đất tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trường, lớp mầm non đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của nhân dân; một số đơn vị cấp xã chưa có trường mầm non độc lập (do thực hiện chủ trương sáp nhập). Vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp; vẫn còn nhiều phòng học tạm, học nhờ ở các vùng khó khăn, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn, đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học ở nhiều nơi còn rất thiếu thốn. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền; đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ở một số địa bàn thấp.
Đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp.
Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở GDMN công lập (đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non). Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Theo PHAN THẢO (SGGP)