Chưa bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ 1.11.2020
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị định có hiệu từ ngày 1.7.2022.
Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử như sau:
“2. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện song đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 1.11.2020”.
“4. Kể từ ngày 1.11.2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14.5.2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17.1.2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành”.
Như vậy, không còn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 1.11.2020.
Đồng thời các Nghị định 51/2010/NĐ-CP , Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30.6.2022.
Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước ngày 1.7.2022.
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:
Tên hóa đơn là tên của từng loại hóa đơn thể hiện trên mỗi hóa đơn như: Hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế…
Số hóa đơn là số thứ tự được thể hiện trên hóa đơn khi người bán lập hóa đơn (Số hóa đơn được ghi bằng chữ số Ả rập có tối đa 8 chữ số bắt đầu từ số 1 vào ngày 1.1 hoặc ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn và kết thúc vào ngày 31.12 hàng năm có tối đa đến 99.999.999).
Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán (ghi theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…).
Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua...
Theo PV/VOV.VN