Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, rất khó lường
Đây là chia sẻ của PGS.TS Lương Thị Vân, chuyên ngành Địa lý Tự nhiên, Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch, Trường ĐH Quang Trung. Tỉnh Bình Định thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, vị trí địa lý vừa nằm trong vùng nội chí tuyến, vừa tiếp giáp biển Đông - một trong những biển lớn của thế giới và lớn thứ 2 của Thái Bình Dương, cũng là một trong những “ổ bão” của thế giới. Đây là khu vực luôn chịu tác động của cả quy luật địa đới và phi địa đới.
Ngành chức năng tỉnh hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn trú trãnh bão số 6 vừa qua.
Ngoài đặc trưng về sự phân hóa theo mùa sâu sắc của khí hậu, thời tiết trong năm thì thiên tai, mưa bão, lũ lụt, hạn hán diễn biễn rất phức tạp, khó lường do tổ hợp của nhiều yếu tố tự nhiên và hình thái thời tiết từ các cơ chế hoàn lưu khí quyển, cũng như các trung tâm khí áp hoạt động theo mùa, như: Khối không khí cực đới lục địa, khối không khí nhiệt đới biển Tây Thái Bình Dương, khối không khí nhiệt đới biển Ấn Độ Dương, khối không khí xích đạo… Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay rất khó có thể nắm bắt, kiểm soát hết được diễn biến của thiên tai, bão lũ. Cũng phải nói rằng, những yếu tố nhân tác như xây dựng thủy điện, phá rừng, tốc độ đô thị hóa… cũng là tác nhân làm cho nguy cơ và tổn thất do thiên tai càng nghiêm trọng và nặng nề hơn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, các nghiên cứu chuyên ngành đã cho thấy, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới ở Bình Định nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung có xu hướng tăng lên, mùa bão bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn, đồng thời với cường độ và tốc độ gió trong bão cũng lớn hơn, diễn biến càng phức tạp và rất khó lường, tác động mạnh ở vùng ven bờ. Đây cũng là điểm khác biệt so với các giai đoạn trước. Do vậy, nguy cơ gây thiên tai, mức độ thiệt hại, tổn thất do bão lũ có thể càng nguy hiểm, nghiêm trọng hơn nhiều.
PGS.TS Lương Thị Vân cho rằng: “Đô thị hóa là xu thế tất yếu của thời đại, nhưng để phát triển đô thị bền vững, cần chú trọng đến quy hoạch đô thị phải có những kịch bản, tính toán tổng thể và chi tiết một cách khoa học, lắng nghe góp ý của các chuyên gia… để phát triển đô thị đảm bảo về mặt sinh thái và môi trường, ổn định dân sinh”.
Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó thiên tai trước, trong và sau khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng của ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người dân trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN