SƠ CẤP CỨU NẠN NHÂN TNGT TRONG CỘNG ĐỒNG:
Nâng cao chất lượng, phổ cập kiến thức
Trước khi có sự can thiệp của y tế, trong nhiều trường hợp TNGT, nạn nhân rất cần được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách để sống sót.
Trong các chương trình phổ biến kiến thức sơ cấp cứu, cần chú trọng phần thực hành kỹ năng để học viên tự làm và được hướng dẫn chính xác.
Những cái chết không đáng có
Chồng mất đã nhiều năm nhưng mỗi khi nhắc đến anh, chị Nguyễn Thị Hết (Quy Nhơn) vẫn còn ấm ức. Chị nhớ như in, lúc bạn chồng báo tin anh bị té xe máy rồi trấn an rằng anh không sao, rất tỉnh táo, chị nghĩ anh chỉ xây xát nhẹ hoặc chấn thương phần mềm ở đâu đó. Không ngờ vào bệnh viện, bác sĩ thông báo với chị là anh đã bị thủng phổi. Do lúc té xuống bị gãy xương sườn, bạn đi cùng không biết đã xốc nách anh lúc đưa lên taxi, khiến đoạn xương gãy đâm thẳng vào phổi. “Chồng tôi đã mất trước khi taxi đến bệnh viện”, chị Hết nghẹn ngào.
Nhiều trường hợp nạn nhân bị TNGT té xuống đường, gãy đốt sống cổ; người qua đường không biết, đến bế xốc đưa lên xe chở vào bệnh viện, vô tình làm đứt dây thần kinh cổ khiến họ mất mạng. Bác sĩ CKII Phạm Văn Dư, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, Giám đốc Trung tâm Sơ cấp cứu tỉnh, nhớ cách đây vài tháng, dù rất đau lòng nhưng buộc phải tháo bỏ khớp ngón tay của một cô bé do em ngã gãy ngón tay nhưng gia đình cố định chỗ gãy không đúng cách làm chi bị hoại tử. Không ít nạn nhân khi bị TNGT ở trong tình trạng rất tồi tệ như máu chảy lênh láng, bất tỉnh, xương hay ruột lòi ra ngoài, vậy nhưng họ vẫn chưa chết. “Chẳng hạn, với trường hợp cả đùm ruột lòi ra ngoài ổ bụng lòng thòng vậy, nhưng gặp người biết cách sơ cứu, chỉ cần lấy tấm băng hay gạc lớn, mềm, sạch quấn ngang bụng, cố định tạm thời như vậy rồi đưa vào bệnh viện thì họ sẽ sống. Ngược lại, sợ ruột đứt, cố nhét ruột vào trong bụng, rồi quấn băng thật chặt sẽ làm ruột tổn thương nặng hơn, dễ bị nhiễm trùng, nặng thì có thể khiến nạn nhân tử vong”, bác sĩ Dư tư vấn.
Trong đa số vụ TNGT đường thủy, nạn nhân thường bị đuối nước, nặng thì bất tỉnh, ngưng tim. Một cách sơ cấp cứu rất phổ biến mà cho đến nay nhiều người vẫn thực hiện đó là dốc ngược nạn nhân, vác lên vai chạy để “xốc nước”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dư, cách này chỉ khiến cho nạn nhân mau lìa đời hơn. Ông giải thích: “Không ai uống nước nhiều mà chết cả. Người đuối nước bị bất tỉnh do cạn kiệt oxy, cần được hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim ngoài lồng ngực ngay lập tức. Việc dốc ngược người đuối nước lên hoặc vác họ lên vai chạy làm nước và một số chất khác như bùn đất chạy ngược từ dạ dày lên phổi, vào đường thở khiến họ nhanh tắt thở hơn. Mọi người cần bỏ ngay cách sơ cấp cứu sai lầm này”.
Với mong muốn nâng cao chất lượng sơ cấp cứu nạn nhân TNGT trong cộng đồng, trong tuần qua, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh và Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức các chương trình cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân TNGT tại một số địa phương. Học viên tham dự còn được thị phạm và trực tiếp thực hành kỹ năng theo cách cầm tay chỉ việc. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX vận tải cơ giới huyện Phù Cát kiêm Chủ tịch Hội CTĐ HTX tỏ ra rất tâm đắc với các nội dung được giới thiệu, hướng dẫn.
Ông Hùng cho biết: “Lâu nay, khi gặp nạn nhân TNGT, nhiều anh em trong HTX gọi taxi rồi khiêng họ bỏ lên xe chở vô bệnh viện chứ không nghĩ đến việc sơ cấp cứu trong thời gian chờ xe tới. Giờ tôi mới biết, trong một số trường hợp, nếu không được sơ cấp cứu kịp thời, khả năng sống của nạn nhân rất thấp. Cả việc khiêng nạn nhân lên xe cũng cần phải đúng cách để không làm vết thương nghiêm trọng hơn. Nhận thấy việc sơ cấp cứu nạn nhân quá quan trọng, tôi sẽ đề xuất đơn vị sớm triển khai phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hành cho toàn bộ lực lượng trong đơn vị”.
Tại TX Hoài Nhơn, các tình nguyện viên của CLB Máu sống Hoài Nhơn trong những ngày bão lũ thường tham gia cùng chính quyền các xã tuần tra những vùng ngập nước để cứu hộ, giúp đỡ người dân. Một số tình nguyện viên cho biết, lớp học cung cấp kiến thức giúp họ nhận định chính xác vết thương của nạn nhân và biết rằng một số cách sơ cấp cứu thường làm lâu nay là phản tác dụng.
Theo bác sĩ Phạm Văn Dư, thời gian tới, các địa phương cần nhanh chóng tổ chức phổ biến lại kiến thức sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn để có thể phát huy sức mạnh cộng đồng trong cứu người bị nạn, nhất là vào mùa mưa bão . “Đây là những kiến thức sơ cấp cứu đã được Bộ Y tế thẩm định nội dung và cho phép sử dụng để tập huấn trong cộng đồng - không chỉ dành riêng cho nạn nhân TNGT mà còn phục vụ hiệu quả trong mọi tình huống khẩn cấp khác”, bác sĩ Dư kêu gọi.
NGỌC TÚ