VĨNH THẠNH:
Nông dân “hít” công nghệ tưới tiên tiến
Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến đang được xem là giải pháp hiệu quả để nông dân huyện Vĩnh Thạnh nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 38 ngày 19.7.2019 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2019 - 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP có sử dụng hệ thống tưới bán tự động trên quy mô 2 ha tại thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang. Mô hình được triển khai trong thời gian 6 tháng, từ tháng 6 - 12.2020.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh.
Vườn kiệu của ông Nguyễn Duy Minh, ở thôn Định Quang, lần đầu tiên được ứng dụng công nghệ tưới bán tự động. Theo ông Minh, công nghệ tưới này giảm đáng kể nhân công chăm sóc kiệu. Cây kiệu được tưới đều hơn so với cách tưới truyền thống và tiết kiệm lượng nước. “Khi ứng dụng công nghệ tưới bán tự động, công chăm sóc giảm đáng kể. Thêm nữa, tưới theo kiểu phun mưa giúp cho đất luôn tơi xốp, cây trồng phát triển tốt hơn”, ông Minh cho hay.
Trong vụ này, ông Lê Đình Cường, cũng tham gia mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất thâm canh cây kiệu theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Ông Cường chia sẻ: “Việc xây dựng mô hình này rất thiết thực, giúp bà con trồng kiệu nói riêng và trồng các loại cây trồng khác nói chung tiếp cận được với công nghệ tưới bán tự động. Hệ thống tưới bán tự động không chỉ giúp giảm nhân công trong khâu tưới mà tận dụng được thời gian, có thể tranh thủ tưới sáng trưa chiều tối, lúc nào cũng được, không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng có thể vận hành được”.
Nhận thấy được hiệu quả mang lại từ việc ứng dụng công nghệ tưới bán tự động, trong vụ này, ông Phan Văn Dung, cũng đã đầu tư 18 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới bằng béc phun tự động trên 14 sào đất trồng kiệu của mình. Ông Dung cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng đầu tư một lần có thể sử dụng hàng chục năm nên có thể làm được. Còn hiệu quả mang lại thì thấy rõ trước mắt. Ví dụ, với diện tích 14 sào này, trước đây vợ chồng tôi phải tưới mất 3 ngày mới khắp được, thì giờ vận hành theo cơ chế tự động, khỏe ru! Thêm nữa, trong những đợt nắng nóng, giai đoạn cây trồng vừa mới bón phân, phun thuốc, có thể tưới nhẹ để làm mát không khí... Nhờ có hệ thống tưới này, chúng tôi quyết định, sau vụ kiệu sẽ làm tiếp vụ mè, đậu phụng”.
Ngoài các hộ trên, ở xã Vĩnh Quang đã có thêm hộ ông Lê Đình Duy (thôn Định Quang) và hộ ông Lê Thanh Sơn (thôn Định Trường) cũng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới bán tự động để tưới cho cây trồng.
Ông Lê Quang Tình, Phó phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, cho biết thêm: “Về ưu điểm của việc sử dụng công nghệ tưới bán tự động, trước hết sẽ giảm đáng kể lượng nước tưới trong điều kiện khan hiếm nguồn nước; thứ hai là có thể kết hợp hòa phân bón vào trong hệ thống tưới để bón cho cây. Thời gian đến, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp thành công có sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để người dân chủ động ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp”.
Có thể thấy, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước bằng hệ thống tưới bán tự động có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp tưới truyền thống. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn nhiều khó khăn, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu còn cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, để mở rộng diện tích cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ với mức hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình, tạo điều kiện cho bà con nông dân đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, góp phần giảm chi phí về nhân công và tăng năng suất cây trồng.
XUÂN DŨNG