Ðảm bảo an toàn công trình thủy lợi
Ứng phó với mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh chủ động phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, hạn chế thiệt hại vùng hạ du, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh quản lý, khai thác, bảo vệ an toàn 15 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh, với tổng dung tích gần 458 triệu m3 nước; 24 đập dâng lớn trên sông Côn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang; hơn 1.080 km kênh mương và hơn 3.000 công trình trên kênh, phục vụ tưới tiêu cho trên 60.000 ha lúa cùng hoa màu mỗi năm.
Các đơn vị quản lý đang kiểm soát chặt chẽ các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
- Trong ảnh: Đập dâng Văn Phong (huyện Tây Sơn).
Chủ động phương án bảo vệ công trình
Ông Lê Đỗ Nhật Quế, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Định Bình (trực thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh) cho biết: Để đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi, chúng tôi tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ tại các hồ chứa Định Bình, Tà Tiêng, Hòn Lập, Hà Nhe (huyện Vĩnh Thạnh) để kiểm tra, theo dõi lượng mưa, mực nước, vận hành điều tiết nước. Riêng tại hồ Định Bình - dung tích nước lớn nhất tỉnh, đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động lưu vực hồ. Tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình, cao trình mặt nước, mực nước trong hồ chứa và việc đóng mở các cửa tràn… được cập nhật liên tục và truyền về Trung tâm Công nghệ phần mềm thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định để xem xét, chỉ đạo.
Sau khi huy động lực lượng, phương tiện tổ chức nạo vét đất cát, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh tưới Văn Phong, Xí nghiệp thủy lợi 5 (trực thuộc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định) tiếp tục vớt dọn hàng trăm tấn bèo và rác thải trôi tấp các cửa tràn; lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điện, camera tự động cùng nhiều thiết bị quan trọng khác tại đập dâng. Đồng thời, đơn vị tiến hành sửa chữa các cánh cửa phai hồ chứa nước Thuận Ninh; hợp đồng UBND xã Bình Tân, Bình Thành sẵn sàng lực lượng xung kích 100 người/xã, cùng phương tiện, vật tư ứng phó khi có sự cố. Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Xí nghiệp, cho hay: Công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ cho các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý đã hoàn tất; chuẩn bị phương án dự phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo Sở NN&PTNT, phương án phòng chống thiên tai cho các công trình thủy lợi của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định sát với tình hình thực tế. Tại mỗi công trình hồ chứa, đơn vị bố trí từ 10 - 15 cán bộ trực 24/24 giờ để bảo vệ, quan trắc, vận hành và thực hiện báo cáo tất cả các yếu tố liên quan đến công tác phòng chống thiên tai cho cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo. Các xí nghiệp trực thuộc cũng đã chuẩn bị từ 30 - 40 m3 đá hộc, 15 m3 đá dăm, 1.500 bao cát tại công trình; hợp đồng chính quyền địa phương tăng cường lực lượng xung kích 40 - 50 người, cùng máy móc, phương tiện sẵn sàng xử lý nhanh tình huống xấu có thể xảy ra.
Vận hành, điều tiết liên hồ chứa đúng quy trình
Mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp, việc vận hành, điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa trong và sau các đợt mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa, góp phần hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du và đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Mới đây, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra thực tế một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo ngành chức năng chủ động trong các tình huống thời tiết bất lợi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, đối với các hồ chứa nước lớn như Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1, Định Bình, Núi Một và đập dâng Văn Phong, tỉnh thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh theo quy định tại Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 30.7.2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các hồ chứa nước khác vận hành, điều tiết nước theo quy định của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh và UBND cấp huyện. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định chủ động phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương cụ thể hóa phương án phòng chống thiên tai cho từng công trình theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa, thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo. “Việc vận hành, điều tiết hồ chứa phải đảm bảo nguyên tắc an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du; đảm bảo công trình đầu mối; góp phần cắt lũ ở khu vực đầu nguồn các sông lớn”, ông Trần Châu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh, cho biết: Đến nay, phương án đảm bảo an toàn hồ chứa được thực hiện nghiêm túc; riêng công tác vận hành, điều tiết nước liên hồ chứa lưu vực sông Côn - Hà Thanh, chúng tôi căn cứ lượng nước đến của từng đợt mưa lũ và mực nước hạ lưu sông Côn trong tháng 10 để có thể giữ mực nước hồ Định Bình trong lũ ở cao trình 75 m (tương đương khoảng 52 triệu m3).
Trong tháng 11, đảm bảo cao trình mực nước hồ trong lũ cho phép 80.93 m (tương đương 120 triệu m3); trường hợp lượng nước quá lớn có khả năng gây mất an toàn đập, sẽ báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh xin lệnh điều tiết. Trước khi điều tiết nước xuống hạ du, Công ty sẽ thông báo cho chính quyền các địa phương cụ thể để chủ động phương án phòng chống thiên tai…
PHẠM TIẾN SỸ