Vẫn chưa thống nhất hình thức cưỡng chế cắt điện, nước
Liên quan đến một nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, quá trình tiếp thu, chỉnh lý vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau...
ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) phát biểu tại phiên họp.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) tại phiên họp của Quốc hội sáng nay 22.10, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, liên quan đến một nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”, quá trình tiếp thu, chỉnh lý vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau, dự thảo Luật thể hiện 2 phương án theo 2 loại ý kiến (đồng tình và không) để tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đa số ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà thực hiện cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
Một số ý kiến tán thành áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng không quy định trong Luật này mà quy định trong Luật Phòng, chống ma túy.
Một số ý kiến tán thành bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 đến nay, đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.
Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy quy định tổng thể về cai nghiện ma túy, trong đó có hình thức cai nghiện bắt buộc tập trung. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật XLVPHC; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua sau dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; đồng thời, bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy.
Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật XLVPHC. Quy định như vậy để góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, phù hợp với Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật đã bỏ quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên nhiều lần thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép; vì những trường hợp này đã được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.
Đồng thời, không quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác và hành vi gây thiệt hại cho tài sản của người khác để tránh trùng lặp, bảo đảm phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.
Về tạm giữ người theo thủ tục hành chính, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người, trong đó trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này.
Việc bổ sung trường hợp “tạm giữ người để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt” có mục đích chủ yếu chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền, phạt cảnh cáo...) là chưa tương xứng, không phù hợp để coi là “trường hợp cần thiết” có thể hạn chế quyền đi lại của công dân theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bỏ quy định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp này.
Việc bổ sung trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy” nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của liên ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, công an đang được áp dụng. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nội dung này đã được chỉnh lý xác định rõ đối tượng bị tạm giữ, cụ thể là “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy”.
Tán thành việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” mà không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác, song ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị quan tâm đến tính khả thi của giải pháp nêu trên. “Phải gắn trách nhiệm của bên cung cấp điện, nước vào đây thì mới xử lý được vấn đề”, ĐB Tô Văn Tám nêu ý kiến.
Về nhóm hành vi có liên quan đến ma túy, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) băn khoăn về hiệu quả thực tế của quy định về quản lý, giáo dục người nghiện ma túy tại cộng đồng và đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra đối chiếu với Luật Phòng, chống ma túy mà ông cho là hợp lý và chặt chẽ hơn để có sự điều chỉnh.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) thì nhận định, hiện có rất nhiều hành vi vi phạm hành chính tinh vi, chẳng hạn như trên không gian mạng. Để xử lý kịp thời, nhanh chóng thì Luật này cần điều chỉnh không chỉ những hành vi đã hoàn thành, mà cả những hành vi đang thực hiện để đảm bảo ngăn chặn kịp thời hậu quả mà hành vi vi phạm hành chính gây ra, cũng như tăng tính răn đe…
Bày tỏ quan tâm đến tính khả thi của nhiều quy định trong dự thảo Luật, ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) phản ánh, trong một số trường hợp, các cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính cư trú ở một nơi, bị xử phạt vi phạm hành chính ở một nơi khác; người bị xử phạt không có điều kiện chấp hành (nhất là vi phạm về xuất nhập cảnh). Nên làm rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện trong vấn đề này để đảm bảo quyết định xử phạt có hiệu lực thực tế. Ở một tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình hiểm trở, liên lạc khó khăn như Hà Giang, nhiều khi phải đo đếm, tính toán tang vật vi phạm… nên không đảm bảo được thời hạn xử lý vi phạm hành chính. ĐB Vương Ngọc Hà đề nghị nên quy định thời hạn là “trong vòng 72 giờ kể từ khi xảy ra vi phạm”.
Lưu ý rằng Luật XLVPHC hiện hành cần tới 76 nghị định hướng dẫn; nay sửa Luật thì cũng cần sửa đổi các văn bản hướng dẫn tương ứng, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nói: “Không thể chấp nhận việc áp dụng Luật mới, nhưng lại xử lý theo văn bản hướng dẫn cũ; mà như vậy thì phải có đủ thời gian để rà soát, sửa đổi”.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)