Phù điêu Makara tại phế tích Xuân Mỹ
Trong thần thoại Ấn Độ, Makara là vật cưỡi của thần cai quản đại dương Varuna, của nữ thần Ganga (Nữ thần sông Hằng). Trong điêu khắc, Makara xuất hiện khá phổ biến, với nhiều hình dạng khác nhau.
Tháng 9.2019, cuộc khai quật khảo cổ học phế tích tháp Champa Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, đã phát hiện được 2 phù điêu Makara bằng đất nung (ảnh) khá độc đáo, có nhiều nét tương đồng với các phù điêu Makara bằng đá sa thạch phát hiện ở tháp Dương Long, tháp Mẫm. Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết cụ thể thì vẫn có một số khác biệt làm nên nét độc đáo.
Makara Xuân Mỹ được tạo tác dưới dạng một chiếc đầu nghiêng một bên, không có phần thân, miệng há rộng, để lộ hai hàm răng lởm chởm, sắc nhọn; sát bên trong khóe miệng chìa ra một chiếc răng nanh lớn cong nhọn, trông rất dữ tợn. Phần đầu hàm trên uốn cong như cái vòi voi, còn hàm dưới dài nhọn chìa thẳng ra phía trước và lởm chởm đầy răng nhọn. Hai tiêu bản Makara được tìm thấy trong cuộc khai quật đều bị vỡ một phần, không còn nguyên vẹn hoàn toàn, tuy nhiên vẫn đủ để các nhà khoa học nhận định, phù điêu đất nung này có lẽ được sử dụng để trang trí trên diềm đai của các tầng tháp.
Việc phát hiện được 2 phù điêu Makara bằng đất nung này đã góp phần làm phong phú thêm sưu tập những phù điêu Makara phát hiện được trên địa bàn tỉnh Bình Định từ trước đến nay.
NGUYỄN VIẾT TUẤN