Nghệ nhân Hoàng Kiều hết lòng với tuồng
Nghệ nhân Hoàng Kiều (tên thật là Phạm Thị Kiều, SN 1963, ở thôn Phong An, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) sinh ra trong một gia đình có truyền thống về hát tuồng, được mẹ là nghệ nhân Trần Thị Tiềm, cha là Phạm Đình Chi - trưởng đoàn tuồng Tiến Thành, truyền dạy. Chị được lên sân khấu từ năm 12 tuổi trong vở Sơn Tinh Thủy Tinh.
Năm 17 tuổi, được các nghệ nhân Ngọc Cầm, Lý Ngọc Mai chỉ dạy hóa thân vào các vai kép chính, đào chính, cô đào Hoàng Kiều mau chóng thăng hoa qua các vai Lưu Kim Đính (vở Tam hạ Nam Đường), Cúc Hoa (vở Phạm Công - Cúc Hoa), Thoại Khanh (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn)… Ông Nguyễn Bá Thạnh, nguyên cán bộ Trung tâm VH-TT&TT huyện Phù Cát, bồi hồi nhớ lại: “Thập niên 1980, trong huyện mọi người rất thích xem đoàn tuồng Tiến Thành biểu diễn, nhiều người ái mộ cô đào trẻ Hoàng Kiều bởi khả năng trình diễn điêu luyện”.
Nghệ nhân Hoàng Kiều (bên trái) vai Thần nữ trong vở Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.
Hoàng Kiều có một thời gian khá dài tạm xa sân khấu, mãi đến năm 2001 chị mới trở lại với nghề và lần lượt là diễn viên chính của nhiều đoàn tuồng trong và ngoài tỉnh như: Long Phụng (Bình Thuận), Sao Mai (Bình Định), Hòa Yên (Nha Trang)… Với niềm say mê nghệ thuật, chị dồn sức cống hiến như bù lại quãng thời gian tạm nghỉ để lo việc gia đình. Năm 2018, với nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng, Hoàng Kiều được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen, 1 năm sau chị lại giành HCV tại Hội diễn Sân khấu không chuyên toàn quốc năm 2018 với vai Đào Tam Xuân trong trích đoạn Đào Tam Xuân loạn trào.
Với tình yêu sân khấu thiết tha, năm 2012 nghệ nhân Hoàng Kiều đứng ra thành lập Đoàn tuồng không chuyên Ngô Mây và làm trưởng đoàn. Chị tâm sự: “Đi diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tôi thấy người dân vẫn còn yêu thích tuồng. Tại quê hương Phù Cát của tôi thì chưa có đoàn tuồng nào, hơn nữa có đoàn thì anh chị em nghệ nhân có thêm điều kiện để cống hiến, nên tôi cùng họ chung tay dựng xây đoàn tuồng dù gặp không ít khó khăn”.
Như một cách tạo dấu ấn cho Đoàn tuồng không chuyên Ngô Mây, nghệ nhân Hoàng Kiều đã phục dựng một số vở tuồng cổ, trong đó mới nhất là vở Tiêu Anh Phụng loạn trào. Mặt khác, để tạo nguồn diễn viên không chuyên, chị cũng tích cực tìm tòi, bồi dưỡng những tài năng trẻ kế cận như: Phan Quốc Thịnh, Võ Minh Tấn, Lê Trung, Nguyễn Thị Bé Phi... Diễn viên Nguyễn Thị Bé Phi là một trong những học trò xuất sắc của chị khi được nhận giấy khen do Bộ VH-TT&DL tặng năm 2018.
Là hạt nhân trong các phong trào văn nghệ của địa phương, Hoàng Kiều còn tham gia xây dựng hội đánh bài chòi dân gian ở huyện Phù Cát, tích cực xây dựng đội bài chòi xã Cát Tài. Chị bộc bạch: Khi tạo dựng đội bài chòi dân gian, thứ gì cũng khó, cũng thiếu. Nhưng cái được là được nhiều cô chú, bà con ủng hộ, nên dần dần từ khâu làm chòi, sắm thiết bị đến may trang phục, tổ chức ngày hội đều nhanh chóng, chính xác và đúng quy cách… Đội có gần 20 nghệ nhân luôn sẵn sàng phục vụ bà con trong xã, đợt biểu diễn nào cũng được bà con hoan nghênh nhiệt liệt.
Với nhiều đóng góp cho hoạt động phong trào, nghệ nhân Hoàng Kiều được UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT&DL xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 - năm 2021.
ĐẶNG VIỆT