Tiếp tục đưa Luật MTTQ Việt Nam vào cuộc sống
Ngày 21.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam. Ðây là dịp nhìn lại một giai đoạn thi hành Luật, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của Luật, vai trò của MTTQ, cũng là đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Tăng cường phối hợp
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân) cho biết: Thực hiện khoản 4, Điều 3 Luật MTTQ Việt Nam về tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, công tác phối hợp giữa Mặt trận với HĐND, UBND và các đơn vị liên quan ở xã ngày càng chặt chẽ, nhất là trong tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các kiến nghị của cử tri, nhân dân do Mặt trận tổng hợp đã được phản ánh một cách toàn diện đến cấp ủy, chính quyền, giúp cấp ủy, chính quyền không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng tới sự hài lòng của nhân dân. Ví dụ như kiến nghị về sạt lở ở xóm 3, thôn Thế Thạnh 1, ở xóm 2, thôn An Thường 2... đã được phản ánh đến cấp trên, đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội.
Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại TX An Nhơn.
Tại Hoài Nhơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã nghiêm túc thực hiện các quy định về trách nhiệm tại Điều 3 Luật MTTQ Việt Nam. Nổi bật là khoản 2 về tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Nguyễn Hồng Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn, thông tin: “Tiêu biểu của hoạt động này là năm 2018, Mặt trận thị xã đã tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy phát động phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh”. Đây là phong trào cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. UBND thị xã đã ban hành bộ quy chế xét duyệt địa phương, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh. Theo quy chế này, đến cuối năm 2019, có 51 địa phương, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, tạo động lực đưa Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị loại IV”.
Là tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp và thống nhất hành động ở một số nội dung như: Thường xuyên nắm bắt tình hình để tham gia ý kiến, đề xuất thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động; thực hiện công tác từ thiện đối với công nhân, lao động và nhân dân. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, chia sẻ thêm: “Trong 5 năm thực hiện Luật, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức 24 cuộc giám sát tại 185 đơn vị, DN; hỗ trợ xây mới 75 ngôi nhà với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng; tặng hơn 6.700 suất quà cho người lao động khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền trên 4,4 tỷ đồng, hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho bà con bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ 352 trường hợp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.
Đánh giá kết quả sau 5 năm triển khai, bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - nhấn mạnh: “Luật MTTQ Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam lên một bậc; tăng cường mối quan hệ công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với cấp ủy đảng và chính quyền cùng cấp trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp đồng bộ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, công tác giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường”.
Để Luật ngày càng phát huy hiệu quả
Ông Võ Xuân An, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, kiến nghị: “Trong các hoạt động như giám sát, lấy ý kiến của Mặt trận về một số chính sách, chủ trương, chương trình..., Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nên quy định rõ thời gian cung cấp tài liệu trước phiên giám sát, phản biện để những người tham gia phản biện có thời gian nghiên cứu, đảm bảo chất lượng ý kiến phản biện. Tránh tình trạng như thời gian qua, nhiều văn bản, quy định cần góp ý đến tay đại biểu trong thời gian quá ngắn”.
Ông Võ Xuân An, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh góp ý nhằm nâng cao hiệu quả của Luật trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Cảnh Huệ, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, góp ý thêm: “Khó nhất trong các nhiệm vụ chính trị của Mặt trận là phản biện xã hội. Việc này đòi hỏi vốn hiểu biết sâu, kiến thức rộng cho nên cần lựa chọn đại biểu phản biện là những trí thức của từng lĩnh vực cụ thể. Mặt khác, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng bằng văn bản, tránh cảm tính trong phản biện. Vì vậy, Mặt trận cần xây dựng một mẫu hoặc phiếu phản biện, để người tham gia phản biện soạn trước trong quá trình chuẩn bị, nhằm đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả”.
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TX Hoài Nhơn cũng kiến nghị cần có chế tài hậu giám sát, nhất là ở cấp cơ sở, để công tác giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên đi vào thực tiễn. MTTQ Việt Nam huyện Vân Canh thì đề xuất tiếp tục quan tâm, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận về công tác giám sát và phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn kiến nghị nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong hệ thống Mặt trận, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần vận động đồng bào dân tộc thiểu số thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo...
NGUYỄN MUỘI