Quay cuồng theo giá trị ảo
Nhìn lại một năm giải trí truyền hình, các chương trình giải trí thực tế vẫn làm mưa làm gió nhưng những giá trị mà các chương trình này mang lại phần lớn là ảo.
Không phải ngẫu nhiên mà số phiếu đề cử Giải Mai Vàng 2013 của khán giả dồn hết cho những chương trình truyền hình mang tính nhân đạo và nhân văn, dù trong số đó có những chương trình đã lâu năm và nhiều lần đoạt Giải Mai Vàng. Quả là công chúng cũng khắt khe chứ không hề dễ dãi như từng thấy trong trường quay những live show đã được nhà tổ chức sắp xếp. Nhìn lại 1 năm giải trí truyền hình, các chương trình giải trí thực tế vẫn làm mưa làm gió nhưng giá trị mà các chương trình này mang lại phần lớn còn mơ hồ.
Nhào nặn “hiện tượng”
Sân khấu hoành tráng, đội ngũ PR chuyên nghiệp, sự đầu tư cứ tưởng chỉ chú trọng đến chất lượng mà không màng đến tiền bạc đã khiến giọng ca một thí sinh “tỏa sáng” tựa ngôi sao ngay trên sân khấu tranh tài...
Không thể kể hết những chương trình truyền hình thực tế đã làm thay đổi cuộc đời thí sinh chỉ sau vài tháng. Từ những chương trình có bản quyền nổi tiếng khắp thế giới đến những chương trình “nhái” định dạng đều khiến hàng ngàn bạn trẻ tin rằng đây chính là cơ hội đổi đời có một không hai cho họ. Hầu hết các chương trình đều có khẩu hiệu: “Biến một người bình thường thành ngôi sao” như Vietnam Idol, The voice… hay ít nhất cũng là cơ hội để mọi người thể hiện tài năng tiềm ẩn như The X-Factor (Nhân tố bí ẩn). Và nếu gạt bỏ mọi lý do liên quan đến niềm đam mê, đến tài năng, đến khát vọng đóng góp cho làng giải trí Việt đang xuống dốc thì tiền thưởng lớn chính là đích nhắm của bao thí sinh. Ấy là bởi ở cái tuổi trên dưới đôi mươi, mấy ai dám nghĩ đến số tiền nửa tỉ đồng mình có thể làm ra bằng chính sức lực của mình nếu thành người chiến thắng. Thế nên, nhiều bạn trẻ đến với cuộc thi chẳng ao ước để thành ngôi sao, không khao khát trở thành người của công chúng mà đến với quyết tâm trước nhất là giành được giải thưởng. Tất cả những khát khao ấy được thể hiện rõ qua những lời tâm sự rất thật từ chính các thí sinh mà chương trình đã thu hình phát sóng.
Qua cái thời cứ cởi, cứ mở là nổi tiếng, nay công chúng đã tỉnh táo hơn trước thì đơn vị sản xuất chương trình phải tính đến những chiêu bài khác: thẳng thắn, sòng phẳng và chín chắn hơn. Điều đó có nghĩa công chúng sẽ có được những tiết mục trình diễn của thí sinh “chất” hơn trước. Một giọng ca tạm ổn được nâng cấp bằng kỹ thuật chỉnh nhạc, những bản phối tinh tế, những ca khúc viết riêng. Về hình thức thì đã có những nhà thiết kế hàng đầu, những chuyên gia trang điểm dày dạn kinh nghiệm với khả năng biến hóa phù thủy. Sự hỗ trợ đắc lực của kỹ thuật trên sân khấu lớn giúp thí sinh tỏa sáng thực sự. Và dĩ nhiên, những giọng ca quán quân của tất cả các cuộc thi - chương trình truyền hình thực tế hiện nay đều được tung hô.
Nhưng cả thí sinh lẫn công chúng cùng bị cuốn vào câu chuyện được dựng sẵn của đơn vị sản xuất. Sự biến hóa của đơn vị tổ chức với sự chăm chút tận kẽ răng về mặt hình ảnh, sự bơm thổi có phần hơi quá của công nghệ quảng bá, thí sinh tự tin bản thân họ xứng đáng với sự tung hê của mọi người. Công chúng lao vào cuộc chơi một cách vô tư mà không cần dành thời gian để suy nghĩ kỹ hơn về thực chất. Hệ quả là hàng loạt “hiện tượng” ra đời và mọi người hân hoan rằng đó chính là một thế hệ kế cận đủ tài để tạo nên một diện mạo mới mẻ hơn cho làng giải trí Việt.
Quán quân sớm sa sút phong độ
Những chương trình truyền hình thực tế đậm đặc tính thương mại, độ quan tâm của khán giả và số lượng quảng cáo là mục đích cuối cùng của các nhà sản xuất. Số lượng “thần tượng”, “ngôi sao” tỉ lệ thuận với sự xuất hiện của vô số chương trình truyền hình thực tế mang danh nghĩa tìm kiếm tài năng cho làng giải trí Việt. Nhưng điều đáng buồn ngay khi các cuộc thi kết thúc cũng có nghĩa sân chơi tàn cuộc. Đơn vị sản xuất bận rộn với những chương trình mới, công chúng bị cuốn vào cuộc chơi mới. Chỉ có các “thần tượng”, “ngôi sao” được phong trong khuôn khổ chương trình lao đao khi phải trở về đời sống thực, đối diện với sự thật có phần phũ phàng.
Điểm lại hành trình “lớn” của các quán quân trong các cuộc tranh tài, những giọng ca thực sự trưởng thành chưa đếm đủ trên đầu ngón tay. Ngoài một số giọng ca thực sự chưa đủ tài để tỏa sáng, một số ít chìm nghỉm trong sự nuối tiếc của cả công chúng lẫn giới chuyên môn. Thậm chí, ca sĩ Mỹ Linh từng nhắc đến “lời nguyền quán quân” khi thể hiện quan điểm của mình về quán quân mới của chương trình Giọng hát Việt - The voice mùa thứ 2 vừa kết thúc.
“Lời nguyền quán quân” hoàn toàn có cơ sở khi tổng kết lại hành trình hậu cuộc thi của các thí sinh. Khi cuộc thi kết thúc cũng là lúc các thí sinh phải rời khỏi sự bảo bọc, hướng dẫn của các huấn luyện viên cũng là các ngôi sao hàng đầu của làng giải trí. Khi ấy, thí sinh phải tự bơi và để có thể tỏa sáng, ngoài tài năng họ còn chứng minh sự thông minh của mình trong việc hòa nhập thế giới giải trí. Tiếc là gần như không có “thần tượng”, “ngôi sao” nào giữ được phong độ của mình khi buông bỏ sự trợ giúp của công nghệ lăng-xê qua sóng truyền hình.
Có phần lỗi của một bộ phận khán giả
Khó mà trách thế giới giải trí Việt vốn đầy rẫy giá trị ảo khi chính một bộ phận công chúng đã góp phần tôn vinh nó. Những chương trình truyền hình thực tế xây dựng nên những “ngôi sao”, “thần tượng” đem lại giá trị thương mại cho đơn vị tổ chức còn khán giả truyền hình thì say máu trước những ngôi sao, thần tượng ảo ấy. Góp phần tạo nên giá trị ảo rồi sau đó chính một bộ phận khán giả ấy lại quay lưng...
. Theo Thùy Trang (NLĐ)