Quốc hội thảo luận về Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi):
Xử nghiêm hành vi xâm hại môi trường, trẻ em
Sáng 22.10, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), các đại biểu nêu quan điểm cần tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hành vi xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em.
Hành vi gây ô nhiễm môi trường cần được xử lý nghiêm Ảnh: P.V
Một trong những nội dung là quy định mức phạt tiền đến 30 triệu đồng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; phạt tiền đến 40 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí, có mức phạt tới 1 tỷ đồng với những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thủy sản…
“Phạt 200.000 đồng là không phù hợp”
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn ĐBQH Hà Nội, bày tỏ băn khoăn: hành vi nào bị phạt 30 triệu, hành vi nào xử phạt tới 1 tỷ đồng chưa được phân biệt rõ. “Hành vi thế nào thì bị phạt tới mức 30 triệu đồng? Trong khi thực tế hiện nay, mức xử phạt hành vi quấy rối, xâm hại, sàm sỡ phụ nữ, trẻ em vẫn chỉ xử phạt 200.000 đồng”, bà Khánh nêu ý kiến và kiến nghị ban soạn thảo xử lý ngay bất cập này.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói, luật chỉ quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, còn mức phạt thế nào được áp dụng trong từng lĩnh vực đối với từng hành vi vi phạm hành chính cụ thể. Mức phạt bao nhiêu trong khung của mức phạt tiền tối đa đó do Chính phủ quy định. “Hành vi vi phạm sàm sỡ phụ nữ, trẻ em nơi công cộng hiện nay chỉ phạt 200.000 đồng là không phù hợp” , ông Tùng nói và cho rằng, với những trường hợp này, nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đồng đã được quy định đối với lĩnh vực an toàn xã hội.
Cắt điện, nước là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, quá trình tiếp thu, chỉnh lý cũng còn hai loại ý kiến. Trong đó, nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”. Bởi qua tổng kết thi hành luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hơn nữa, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác. Việc áp dụng biện pháp cũng bị coi là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Tuy nhiên, ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức cắt điện, nước là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm. Đồng tình với việc bổ sung này, song ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) lưu ý chỉ áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước ở điểm vi phạm và không làm ảnh hưởng đến tổ chức và cá nhân khác. Tương tự, ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng cho rằng chỉ thực hiện cưỡng chế trong trường hợp điện, nước là công cụ để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. “Ví dụ như một đồng tôm mà cắt điện thì chắc chắn một thời gian rất ngắn cả cánh đồng tôm sẽ chết, vừa thiệt hại kinh tế, còn gây hậu quả môi trường lớn hơn. Do đó, áp dụng biện pháp này bằng hành vi cụ thể và trường hợp cụ thể”, ĐB Gia nêu ý kiến.
Hậu quả khác nhau giữa “tháo dỡ” và “phá dỡ”
Đề cập quy định xử lý công trình vi phạm, ĐB Hoàng Thu Trang (Nghệ An) cho rằng đang có điểm “vênh” giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính so với Luật Xây dựng. Cụ thể, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Cá nhân, tổ chức phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép, nếu không tự nguyện thì bị cưỡng chế. Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định: Đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép hoặc xây dựng sai so với giấy phép thì phá dỡ. “Một bên là “tháo dỡ”, còn một bên là “phá dỡ”. Tuy chỉ khác nhau hai từ “tháo” và “phá” thôi, nhưng hai hành vi này hậu quả sẽ khác nhau và mức độ thiệt hại của công trình cũng không giống nhau”, bà Trang nói.
Theo bà Trang, tháo dỡ là tháo rời, lấy ra lần lượt từng bộ phận, còn phá dỡ là phá hủy và không thể sử dụng được các bộ phận sau khi phá. Thực tiễn theo bà Trang, có nhiều vụ việc sự khác nhau này đã là cớ để cho các cơ quan công quyền lạm quyền và cũng có thể là cớ để cho tổ chức, cá nhân khiếu nại, khiếu kiện, chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trong xử lý vi phạm hành chính.
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tránh sự lạm quyền của cơ quan công quyền và đồng thời cũng đảm bảo được hành lang pháp lý, tính nghiêm minh của pháp luật cho các cơ quan công quyền khi thi hành nhiệm vụ, bà Trang đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Xây dựng và Luật Xử lý vi phạm hành chính và cũng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Theo VĂN KIÊN (TP)