Cần quy định rõ hơn trách nhiệm trong đảm bảo nguồn lực phòng, chống HIV
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 23.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
ĐB Huỳnh Cao Nhất tham gia thảo luận sáng 23.10.
Tham gia thảo luận, Đại biểu (ĐB) Huỳnh Cao Nhất (Đoàn Bình Định) bày tỏ quan tâm đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Tại điểm b, khoản 2, điều 4 dự thảo Luật bổ sung quy định nghĩa vụ của người nhiễm HIV là phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho “người có quan hệ tình dục với mình theo quy định của pháp luật”.
Thống nhất bổ sung nội dung này, nhưng ĐB Nhất cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ. Bởi, trong trường hợp người nhiễm HIV cố tình lây nhiễm cho người khác thì khó có cơ sở để làm căn cứ xử lý hình sự theo quy định tại điều 148 của Bộ luật Hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác. Do đó, trong dự thảo Luật cần quy định rõ về hình thức, thời điểm thông báo.
Về độ tuổi tối thiểu tự nguyện xét nghiệm HIV, khoản 2, điều 27 dự thảo Luật quy định “Người từ đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự thì được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV”.
Tuy nhiên, quy định như vậy theo ĐB Nhất là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, điều 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành. Cụ thể, “Trường hợp người bị bệnh mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bị bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh”. Do đó, ĐB Nhất đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất của các luật được ban hành.
Mặt khác, ở khoản 3, điều 27 dự thảo Luật quy định: “Việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó”.
Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng là những đối tượng được giám hộ. Vì vậy, ĐB Nhất đề nghị xem xét bổ sung thêm ở khoản 3 Điều 27 nhóm đối tượng này khi thực hiện xét nghiệm HIV cần có sự đồng ý của người giám hộ.
Liên quan đến nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS (điều 43), ĐB Nhất cho rằng, hiện nay, các nguồn tài trợ từ nước ngoài cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã giảm nhiều. Với mục tiêu giảm dần và xóa bỏ căn bệnh AIDS vào năm 2030 thì cần nguồn lực đáng kể để có thể triển khai các hoạt động phòng, chống và điều trị HIV/AIDS.
Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định về các nội dung liên quan đến nguồn lực để thực hiện chính sách chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, khó đảm bảo tính khả thi, như: Quy định về trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (điều 12); Quy định về thực hiện biện pháp can thiệp giảm hại (điều 21); Quy định về điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV (điều 36); Quy định về tiếp cận thuốc kháng HIV (điều 39).
Vì vậy, ĐB Nhất đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng cấp ngân sách trong việc đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách; đồng thời phân định rõ trách nhiệm chi trả giữa BHYT và ngân sách Nhà nước để có căn cứ triển khai.
Về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (điều 44), ĐB Nhất cho biết, hiện nay Nhà nước đã có nhiều thay đổi về chính sách hỗ cho người nhiễm HIV, đảm bảo người nhiễm HIV có thẻ BHYT sẽ được chăm sóc, hỗ trợ về y tế cũng như được thanh quyết toán thuốc ARV, xét nghiệm, theo dõi, điều trị HIV tại các cơ sở y tế trên cả nước.
Đồng thời, các địa phương đã đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi-rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có BHYT thông qua Quỹ khám bệnh chữa bệnh người nghèo.
Hơn nữa, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá “Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV không hiệu quả”.
“Như vậy, vai trò của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV hiện nay là không đáng kể. Vì vậy, tôi đề nghị không cần thiết phải tiếp tục duy trì quỹ này”, ĐB Nhất nói.
NGUYỄN VĂN TRANG