Thị trường lao động Việt Nam trong quý 4 đang có dấu hiệu khởi sắc
Theo quy luật, trong 3 tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư bao giờ cũng sôi động hơn kéo theo sự phục hồi của thị trường lao động sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Các chuyên gia cho rằng sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, xuất khẩu bắt đầu trở lại guồng quay thì không có lý do gì để tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong quý 4 không giảm xuống, thu nhập của người lao động không tăng lên.
Ngành dệt may được dự báo sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng trong quý 4. (Ảnh minh họa: Đức Duy/Vietnam+)
Thị trường lao động phục hồi
Theo Tổng cục Thống kê, niềm tin của doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo vào triển vọng quý 4 đã được cải thiện rất nhiều, với 82,5% số doanh nghiệp dự báo sản xuất tăng, 82,3% dự báo số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 tăng, 79,6% dự báo đơn hàng xuất khẩu mới tang. Có tới 88,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô lao động hoặc ít nhất là giữ ổn định như quý 3.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng ngay kể cả trường hợp xấu nhất là dịch bệnh quay trở lại thì hoạt động sản xuất, kinh doanh quý 4 sáng sủa hơn quý 3 và tốt hơn rất nhiều so với quý 2.
“Theo quy luật, trong 3 tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư bao giờ cũng sôi động hơn rất nhiều so với các tháng đầu năm, do doanh nghiệp tập trung hoàn thành đơn hàng, hợp đồng đã ký kết; tập trung đầu tư, mở rộng hoạt động để hoàn thành kế hoạch... Các công trình xây dựng cũng vào mùa cao điểm phải hoàn thành. Đặc biệt, cuối năm, nhu cầu chi tiêu, mua sắm của hộ gia đình, cá nhân thường tăng đột biến. Đây cũng là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại,” tiến sỹ Nguyễn Thị Hương nói.
Khảo sát của Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search cho thấy những chính sách mới về Hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại đa phương (EVFTA) đã dẫn đến làn sóng dịch chuyển dây chuyền hoặc nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện nay, đã có những công ty, nhà máy dệt đã đăng ký kinh doanh hoặc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau một thời gian cắt giảm nhân sự mạnh, ngành dệt may đã xuất hiện các nhà đầu tư mở rộng quy mô hoặc mới bước vào thị trường tại Việt Nam, chủ yếu là khối doanh nghiệp sử dụng tiếng Trung (HongKong, Đài Loan, Trung Quốc), các doanh nghiệp sử dụng tiếng Nhật và một số nhà đầu tư của châu Âu như Đức.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết: “Một số doanh nghiệp dệt may mở rộng quy mô hoạt động như xây mới nhà máy, hoặc chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam, hoặc chuyển đơn hàng từ nước ngoài về Việt Nam sản xuất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển dụng lớn về nhân sự, trong đó có các vị trí cấp trung và cấp cao. Dự báo nhu cầu tuyển dụng này sẽ tăng trong 3 tháng tới và tăng mạnh trong 6 tháng tới.”
Theo bà Nguyễn Phương Mai, không chỉ ngành dệt may, ngành năng lượng đang xuất hiện làn sóng đầu tư, hợp tác giữa các quốc gia châu Âu với các nhà phát triển năng lượng trong nước. Bên cạnh đó là sự tham gia của Mỹ trong việc xúc tiến và phát triển các dự án điện khí tại Việt Nam. Ngoài ra, đã có nhiều các dự án có quy mô lớn trên 2 tỷ đô la Mỹ phân bổ khắp ba miền nhưng chủ yếu tập trung tại miền Trung và miền Nam. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng trong ngành năng lượng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 3-6 tháng tới.
Ngoài ra, trong thời gian tới, có hai doanh nghiệp lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực bán lẻ sẽ xuất hiện tại Hà Nội hứa hẹn sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng trong quý 4 và đầu năm 2021.
Tăng cường kết nối việc làm
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, dù tình hình có khởi sắc, song tỷ lệ việc làm phi chính thức lại tăng cao và chiếm đến 57,0%. Tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức (5,8%) cao hơn so với tốc độ tăng lao động có việc làm chính thức (0,8%).
Sự chênh lệch cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trong những tháng cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, tạo thêm nhiều việc làm gắn với nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động; tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm, đặc biệt quan tâm phê duyệt các dự án của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khả năng thu hút nhiều lao động.
Hiện nay, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung-cầu lao động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động sớm nhất.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)