Doanh nghiệp thời Covid-19: Tái cấu trúc, tìm cơ hội
Covid-19 đã và đang tác động rất lớn tới nền kinh tế, không chỉ khiến doanh nghiệp nhỏ khốn đốn mà các “ông lớn” cũng chật vật, tạo sức ép tái cơ cấu doanh nghiệp để tìm cơ hội mới.
Tại hội thảo quốc gia liên quan đến vấn đề nêu trên vừa được Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp một số đơn vị tổ chức tại TP Quy Nhơn, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, DN phải xác định tình trạng “bình thường mới” trong giai đoạn hiện nay là phát triển kinh tế trong bối cảnh luôn có dịch bệnh đe dọa để tìm kiếm những hướng đi mới; đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, chuyển sang nền kinh tế số để thích ứng bối cảnh mới, yêu cầu mới.
Cùng với sắp xếp lại hệ thống chuyền sản xuất, khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, DN ngành may mặc xoay xở hướng đi với sản phẩm mới.
Chuyển đổi để tồn tại
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu là một trong những ngành năng động nhất, thể hiện qua chỉ số kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong mùa dịch Covid-19, tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặt ra yêu cầu bức thiết DN cần nghiên cứu tích cực, chủ động mạnh dạn tái cấu trúc. Để tái cấu trúc, DN phải khai thác được sản phẩm cốt lõi, thị trường cốt lõi, xây dựng sản phẩm có tính chuyên môn hóa cao, giá trị cao. Cùng một khối lượng về giá trị sản xuất, trước đây Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt cần đến 2.400 lao động thì nay chỉ cần 1.100 người. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chuyên môn hóa trong sản xuất, chú trọng quản trị bằng công nghệ và kỹ thuật... để đạt hai mục tiêu giá trị sản xuất cao hơn và tăng thu nhập người lao động.
“Bí” cả đầu vào lẫn đầu ra, ngành may mặc là một trong những ngành hàng “thấm đòn” dịch Covid-19. Đại diện Công ty CP Đầu tư An Phát cho hay, cùng với sắp xếp lại hệ thống dây chuyền sản xuất, khi thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, DN ngành may mặc xoay xở hướng đi mới với việc đẩy mạnh sản xuất sản phẩm khẩu trang. Không cứu được toàn bộ doanh thu, nhưng việc sản xuất sản phẩm mới giúp DN giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng.
Nhiều DN cũng dịch chuyển cơ cấu sản xuất, thị trường. Một lãnh đạo Công ty CP Quốc Thắng cho biết, trong 9 tháng của năm 2020, hoạt động xuất khẩu gỗ của công ty tăng trưởng, doanh thu gần 80 tỷ đồng, đảm bảo tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trước đây, DN chủ yếu tập trung vào hàng xuất khẩu ngoại thất, hiện nay để phù hợp với yêu cầu của đối tác và thị trường, DN đầu tư vào sản xuất hàng nội thất.
Ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ: Tái cơ cấu, tái sắp xếp không chỉ là nhu cầu riêng của mỗi DN mà còn đặt ra cho cả chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết. Để làm được điều này rất cần sự kết nối hiệu quả giữa cộng đồng DN và các nhà hoạch định chính sách.
Thách thức và cơ hội
Theo ông Lê Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, các DN đang đối mặt hai vấn đề là tạm thời giảm hoạt động để xem xét tình hình hậu Covid-19 và đưa ra các quyết sách phù hợp, nhưng cũng đang đối mặt với khả năng không đạt mục tiêu kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ, chính quyền các địa phương cần có chính sách phù hợp, rõ ràng để DN dễ dàng tiếp cận và áp dụng, nhất là các gói hỗ trợ DN. Vì nếu cứ để DN tự “lướt theo sóng” trong giai đoạn dịch Covid-19 thì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí có thể dừng hoạt động.
TS Võ Trí Thành cho rằng, dịch Covid-19 đã phá vỡ nhiều chuỗi liên kết, buộc DN phải tiến hành tái cấu trúc các chuỗi cung ứng mới - đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho DN. Ông đưa ra lời khuyên cho DN về 8 chữ: “Cơ hội - Kết nối - Sáng tạo - Quản trị”. Tức là tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ lợi thế so sánh của DN, của thị trường và những cơ hội từ các cam kết quốc tế, sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự xuất hiện của các lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Kết nối với đối tác, kết nối vào chuỗi giá trị kết nối thị trường với tiêu chuẩn cao. Đồng thời, sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0 và những mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực mới. Đặc biệt lưu ý đến nâng cao quản trị, trong đó chú ý quản trị rủi ro.
Còn TS Nguyễn Văn Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Picenza Việt Nam, nhấn mạnh DN phải đổi mới và sáng tạo trong quản trị, đặc biệt là cách xây dựng hệ thống nội quy, quy chế quản lý, điều hành đồng bộ, phù hợp đặc thù hoạt động, nhằm nâng cao năng suất, tiềm lực cho DN hậu Covid-19. “Thực tế, nhiều chủ DN lo chạy theo những đơn hàng, những sự vụ công việc hàng ngày mà không để ý tới việc xây dựng hệ thống quản trị, khi xảy ra biến cố thì DN rất khó để thích ứng khó khăn. Bên cạnh đó, DN vừa và nhỏ cần liên kết lại thành từng nhóm lớn để cùng hỗ trợ nhau phát triển”, TS Đức nhận định.
HIỀN - DỊU