TÒA ÁN NHÂN DÂN 2 CẤP:
Nâng cao chất lượng giải quyết án
Thời gian qua, TAND 2 cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan sai hay bỏ lọt tội phạm.
TAND 2 cấp không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ động, bám sát
Là một trong những đơn vị có lượng án thụ lý cao đứng đầu tỉnh với trên 1.900 vụ án/năm và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp nhưng chất lượng giải quyết án tại TAND TP Quy Nhơn luôn đạt trên 90%. Đáng chú ý, tỷ lệ án hủy, án sửa chỉ chiếm 0,2%. Ông Nguyễn Văn Thanh, chánh án TAND TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Đơn vị chủ trương nắm bắt những phần việc nào đã làm, chưa làm; số lượng án đã thụ lý, giải quyết, án còn lại. Các thẩm phán có sự trao đổi nghiệp vụ về các vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử nhằm tập trung trí tuệ tập thể để đánh giá chứng cứ khách quan, đúng sự thật. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng việc phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ để tăng hiệu quả công việc; chú trọng công tác hòa giải để việc giải quyết án được nhanh, gọn và đúng thủ tục quy định của pháp luật”.
Tại nhiều phiên tòa từ tỉnh đến cơ sở có dịp tham dự gần đây, ở phần tranh luận, tôi thấy bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn, bị đơn dân sự đều được trình bày ý kiến của mình, được tham gia đối đáp công bằng, dân chủ và khách quan. Cách làm này đã góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết án. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã giải quyết xét xử 6.402 vụ/ 7.425 vụ, chiếm 88%, vượt chỉ tiêu đề ra 0,8%. Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường cho biết: “Có được kết quả này là do ngành xác định nâng cao chất lượng xét xử án là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện lộ trình cải cách tư pháp. Chúng tôi đặt ra yêu cầu xét xử nhanh nhưng không để thiếu sót. Vì vậy, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, TAND 2 cấp đã chủ động tăng cường phối hợp với lực lượng CA, kiểm sát cùng cấp kịp thời trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm, kiên quyết xử phạt nghiêm các loại tội phạm về tệ nạn xã hội; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trước yêu cầu của tình hình mới”.
Tiếp tục phát huy
Xác định nâng cao chất lượng xét xử là thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước, do đó, trong hoạt động xét xử, TAND 2 cấp luôn triển khai hiệu quả, chủ động theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của TAND cấp trên; xác định rõ vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Các hội thẩm nhân dân được tạo điều kiện để nghiên cứu hồ sơ trước khi đưa vụ án ra xét xử, trực tiếp tham gia vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa... Các thành viên trong Hội đồng xét xử bảo đảm khách quan, công bằng, đúng pháp luật theo nguyên tắc xét xử độc lập. Bên cạnh đó, TAND 2 cấp cũng tổ chức việc tiếp nhận, phân loại các loại đơn khởi kiện, kháng cáo, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan nhằm rút ngắn trình tự, thời gian giải quyết. Chú trọng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và coi đây là một trong những giải pháp đột phá hữu hiệu nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Theo chánh án Lê Văn Thường, để nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, ngành sẽ quan tâm làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức trong ngành; chú trọng tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm công tác xét xử, nhằm phát hiện sai sót để khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật và khắc phục triệt để tình trạng xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm.“Để khắc phục những bản án bị hủy, sửa, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xác định rõ trách nhiệm của cá nhân thẩm phán và hội đồng xét xử. Những thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa do lỗi chủ quan, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự… sẽ bị kiểm điểm, gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm”, ông Thường nhấn mạnh.
KIỀU ANH