Tuyên truyền xóa nạn tảo hôn ở Vân Canh:
Mưa dầm thấm lâu
Tình trạng tảo hôn trong cộng đồng người dân tộc thiểu số xảy ra khá nhiều ở huyện Vân Canh. Các hoạt động tuyên truyền nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiến đến chấm dứt nạn tảo hôn được tổ chức thường xuyên theo cách thức “mưa dầm thấm lâu”.
Có chồng từ tuổi… 13
Kết hôn sớm được xem là thói quen trong lối sống, tập tục sinh hoạt, giao duyên của người dân tộc Chăm, Bana thuộc huyện Vân Canh. Theo Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh Trần Thị Ngọc Như, tình trạng tảo hôn nhiều lên trở lại ở Vân Canh khoảng từ năm 2009 và xảy ra “đều khắp” ở các xã, thị trấn. Trong khi trước đó, các trường hợp tảo hôn chỉ lác đác ở xã vùng cao Canh Liên. “Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác, đầy đủ, bởi cán bộ cơ sở hầu như không báo cáo về các trường hợp tảo hôn. Chỉ khi tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn tại các thôn, làng, chúng tôi mới biết và nắm sơ bộ”, bà Như cho biết.
Tuyên truyền chống tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số phải theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
- Trong ảnh: Anh Đoàn Văn Tuấn thăm, trò chuyện tại một gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên ở làng Canh Thành.
Ở huyện Vân Canh, xã Canh Hòa được xem là nơi xảy ra tình trạng tảo hôn nhiều nhất. Năm 2012, cả xã có 4 người lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn. Đó là T.V.T (sinh năm 1996), Đ.T.T (sinh năm 1995), T.T.T.Y (sinh năm 1996), đặc biệt có Đ.T.T.T (sinh năm 1999) lập gia đình khi mới… 13 tuổi! Cả 4 trường hợp này đều ở làng Canh Thành, nằm ngay trung tâm xã.
Anh Đoàn Văn Tuấn, chuyên trách công tác DS-KHHGĐ của Trạm y tế xã Canh Hòa, cho biết: “Các trường hợp lập gia đình sớm đều xuất phát từ chuyện nảy sinh tình cảm nam nữ sớm, sau đó bỏ học. Đáng chú ý, gia đình đều đồng ý cho các em lập gia đình, trong đó có trường hợp cả vợ lẫn chồng ở tuổi vị thành niên”.
Theo nhiều chuyên gia y tế, việc mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tử vong chu sinh và sơ sinh, đẻ non, sơ sinh nhẹ cân (dưới 2,5kg), dị dạng, dị tật ở trẻ.
Nhận thức được nguy cơ này, nên khi xảy ra các trường hợp tảo hôn, cán bộ địa phương đã tích cực tiếp cận để vận động, hướng dẫn họ sử dụng các biện pháp tránh thai, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sinh con sớm. “Chúng tôi giới thiệu để họ lựa chọn các biện pháp tránh thai an toàn như dùng bao cao su, thuốc uống và thuốc tiêm tránh thai… Đến nay, các trường hợp tảo hôn trên địa bàn xã trong năm 2012 đều chưa có con”, anh Tuấn thông tin thêm.
Trước thực trạng trên, Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh. Theo đó, một buổi nói chuyện chuyên đề về tảo hôn, tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình đã được tổ chức tại UBND xã Canh Hòa. Tham dự buổi nói chuyện có lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của xã và các thôn, cùng đối tượng trong độ tuổi tiền hôn nhân.
Ngoài ra, một hội thi tìm hiểu kết hợp văn nghệ truyền thông về tác hại của tảo hôn, tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được tổ chức tại thị trấn Vân Canh. Ngoài 3 đội thi của thị trấn Vân Canh, xã Canh Thuận và Canh Hiệp, hội thi còn thu hút sự tham gia của cộng tác viên dân số, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương.
Bên cạnh các hoạt động bề nổi, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh còn tranh thủ tuyên truyền về tác hại của tảo hôn trong các đợt giám sát chuyên đề, chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản được tổ chức tại cơ sở. “Điều đáng chú ý là người dân tộc thiểu số rất nuông chiều con. Để chống nạn tảo hôn, phải làm công tác tư tưởng cho cha mẹ, ông bà. Bên cạnh đó là vai trò quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng hơn đến nhóm đối tượng này, với các hình thức truyền thông nhóm và tại hộ gia đình”, bà Trần Thị Ngọc Như tâm sự.
Anh Đoàn Văn Tuấn cho biết, trong cả năm 2013, trên địa bàn xã Canh Hòa không có trường hợp tảo hôn nào. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động vẫn được duy trì, không thể lơ là. “Phương châm vận động vẫn là “mưa dầm thấm lâu”. Cách vận động phải khéo léo, phải “nhìn mặt”, theo dõi sự phản ứng của họ mà lựa lời khuyên bảo, chứ cứ ập vào chỉ trích thì dễ gây tác dụng ngược. Tảo hôn cũng là một chủ đề nhạy cảm, nên không chỉ nói suông, mà nên tăng cường sử dụng tranh ảnh tuyên truyền, để họ xem đi xem lại”, anh Tuấn phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG