Mái nhà xưa
Cả nhà đã quen với cảnh chiều chiều, khi nắng chỉ còn vài vệt mỏng và gió trời lên dìu dịu, khăn xéo vắt trên vai, nội tôi chậm rãi đi về vườn cũ. Nơi đó - “nhà mình” như cách gọi của nội để chỉ khu vườn rộng và ngôi nhà cấp bốn cha mẹ nội tạo lập nên, để lại cho con. Nội, 18 tuổi về nhà chồng, chỉ cách một cánh đồng và đã cùng với chồng cày sâu cuốc bẫm tạo nên cơ ngơi riêng nhưng vẫn chỉ gọi mái nhà thời thơ ấu, thời con gái ấy là “nhà mình”. Giờ căn nhà đứng buồn trơ trọi trong khu vườn rộng rinh, trước nhất là mẹ, rồi đến cha, mới đây là anh, 3 người máu mủ ruột rà lần lượt bỏ nội tôi đi xa mãi. Nhà bỏ không. Nội chiều chiều về chơi ở nhà mình, đến tối muộn, gần giờ cơm mới chịu về.
Mới đầu, dăm ba ngày nội mới về thăm vườn cũ một lần, nhưng dần dà ngày nào nội cũng về. Lắm lúc trưa tròn bóng, đang nghỉ trưa nội bỗng bật dậy, cầm nón lật đật, quày quả đi nhanh một mạch. Cứ như để sang chiều mát sẽ không còn kịp! Anh em tôi không tài nào hiểu được, một ngôi nhà, một khu vườn không có người ở thì ngày hôm nay trông khác ngày hôm qua chỗ nào. Nhưng với nội thì có. “Bữa nay “dề”, cái bắp chuối chát thiệt xinh mới trổ một nải giờ mất mất!”. “Tổ chim sẻ dưới mái ngói chuồng bò, đứa nào ác nhơn cuỗm mất lũ chim non, “nậu” “dề” thấy con chim mẹ đậu trên nhánh “xài” hót khan cổ tìm con”. “Dây tơ hồng giăng ngoài hàng rào, hôm qua tao mới bứt bỏ mà chiều nay đã lên xanh kịt, cái giống ấy mọc bám thì cây gì cũng lụi”… Đại loại thế, ngày nào đi thăm chơi vườn cũ về, nội cũng phát hiện có cái này mới sinh ra, cái nọ vừa khuyết đi.
Anh em cùng một mẹ cha/Bao năm chung một mái nhà ấu thơ/Ngày đi đắp đập be bờ/ Ngày đi bắt cá trời mưa đầm đầm/Ngày đi gặt hái đồng gần/Ngày đi cuốc đất vỡ phần ruộng xa…(*). Nội bảo, càng già bà càng nhớ nhà mình hung. Nhớ cuồn cuộn nhớ thấm thía, như sợ thời gian nội có không đủ cho nội chi dùng, như sợ thời gian nội có không theo kịp căn bệnh lểnh lảng rồi cũng sẽ tới lúc kéo đến nhanh sầm sập. Lúc ấy, lấy ai nhớ giùm nội, thay nội? Mái nhà xưa ấy, trong con cháu chúng tôi ai có thể nhớ nó nhiều bằng nội? Nội giờ thảnh thơi về nhà mình chơi mỗi ngày, về mỗi ngày 2 - 3 lần. Cho bõ thời tóc xanh thân cò lặn lội, ngày qua ngày vướng bận chuyện con cái, chuyện nhà cửa, có khi cả tháng ròng không qua khỏi cánh đồng để về thăm mẹ thăm cha.
Có lần, vào một đêm muộn gần hết ngày vu lan, cô tôi hộc tốc chạy về ôm lấy nội, lật qua lật lại hỏi má có sao hông, người có đau nhức ở đâu hông. Nội chưng hửng, hỏi nguyên cớ, cô sụt sùi bảo mới gặp người bạn gái cũ, người bạn ấy sau một đêm ngủ dậy không còn mẹ. Tuổi già, có những chuyến đi xa sao cắc cớ, nhẹ, nhanh quá đỗi, khiến con cháu hụt hẫng, lóng ngóng như gà con lạc mẹ chíp chiu. Tự nhiên, một nỗi lo sợ mơ hồ, cô muốn ngay lập tức thấy mẹ, còn hiện hữu trên đời. Đêm ấy vu lan, má tôi, tôi cùng chứng kiến tình mẫu tử đơn sơ và keo sơn của cô tôi với nội tôi, của nội tôi tưởng nhớ cố tôi. Rốt cuộc như… lây, bốn người đàn bà thuộc ba thế hệ ngồi yên lặng hồi lâu, mang tâm trạng vừa riêng vừa chung, nhớ - nghĩ - thương mẹ mình… Nhìn vẻ mừng mừng tủi tủi của cô, nội cười, kêu cô già đầu rồi còn sợ bá láp tầm phào. Miệng thì ngầy nhưng lòng nội ấm áp lắm. Mắt nội mơ màng về khu vườn cũ, về mái nhà xưa, bụng trông trời sáng mau mau để lại về thăm nhà mình. Nơi đó, theo từng bước chân lúc thúc giục lúc thong thả của nội, trùng trùng ký ức tuổi thơ lại hiện về.
KHẢI THƯ
(*): Trích trong bài thơ “Chung một mái nhà” của tác giả Mai Trắng.