Chỉ nên dùng một loại giấy phép môi trường
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ngày 24.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
ĐB Lê Công Nhường tham gia thảo luận sáng 24.10.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) đề nghị làm rõ việc tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, liên quan đối với các dự án ở vùng giáp ranh hoặc nằm trên địa bàn của 2 xã, 2 huyện, 2 tỉnh. ĐB Nhường cho rằng, nếu giáp ranh cũng phải lấy ý kiến của cư dân láng giềng không thuộc địa phương xây dựng dự án. Việc tham vấn cộng đồng dân cư phải bao gồm các đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng. Khi tổ chức tham vấn bắt buộc phải có hình thức lấy mẫu, lấy ý kiến phù hợp, đảm bảo ý kiến đó là khách quan. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm của đơn vị thực hiện tham vấn (chịu trách nghiệm với kết quả tham vấn).
Đối với quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (điều 49), theo ĐB Nhường, hiện nay còn tồn đọng một lượng lớn container phế liệu tại các cảng biển. Do đó, nên thiết kế thêm khoản quy định thời gian nằm tại cảng và cách thức xử lý container phế liệu vô chủ.
Đáng chú ý, với quy định về giấy phép môi trường, ĐB Nhường ủng hộ phương án chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. “Làm vậy để đơn giản hóa thủ tục, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN; chứ không phải vì khó khăn trong sửa luật mà chúng ta đẩy khó khăn, bất cập về phía người dân, DN”, ĐB Nhường phân tích.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, ĐB Nhường đồng ý với phương án UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn.
Trong khi đó, về đăng ký môi trường, ĐB Lê Công Nhường đề xuất sửa đổi khoản 5, điều 43a2, từ “trách nhiệm của UBND cấp xã” thành “trách nhiệm của UBND cấp huyện”. Bởi, UBND cấp xã không đủ năng lực để đảm đương; chỉ nên giao một số nhiệm vụ phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của công chức cấp xã.
Về tên gọi, ĐB Nhường đề xuất tên là “Luật Bảo vệ môi trường 2020” vì dự thảo Luật đã được quy định chi tiết, bổ sung nhiều nội dung mới.
MAI LÂM