Chuyện mẹ chồng - nàng dâu:
Gương vỡ có lành?
Không nói chuyện ngày xưa, ngay cả bây giờ, khi xã hội đã tiến bộ hơn thì mâu thuẫn giữa mẹ chồng - con dâu vẫn là câu chuyện muôn thuở… Mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu có lẽ là mối quan hệ nhạy cảm và khó xử lý ổn thỏa nhất khi xảy ra mâu thuẫn.
Từ những chuyện bất đồng
Nga và Thành yêu nhau từ khi là học sinh cấp 3, thêm 4 năm đại học, khi đều đã có công việc ổn định, cả 2 quyết định làm đám cưới. Trước khi cưới, mỗi lần đến nhà chơi, cô cũng cảm thấy hơi e ngại vì mẹ chồng tương lai của cô như một “nữ tướng” trong nhà. Tuy nhiên, bà luôn tỏ thái độ vui vẻ nên cô cũng yên tâm phần nào.
Vậy mà, khi bước chân về làm dâu, bà Tâm, mẹ chồng Nga, ngay lập tức cho người làm nghỉ việc. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều được “chuyển giao” cho cô. Không những thế, tiền mừng cưới, tiền lương hàng tháng của hai vợ chồng cũng được mẹ chồng sung vào quỹ chung của gia đình và bà là người giữ tay hòm chìa khóa.
Thời gian đầu, Nga cố gắng chu toàn mọi việc. Tuy nhiên, dường như mọi cố gắng của cô đều không làm cho mẹ chồng hài lòng. Chồng Nga dù thương vợ nhưng cũng sợ mẹ, không dám bênh vực vợ dù thấy mẹ quá quắt. Sau khi Nga sinh con, mẹ chồng bắt Nga nghỉ việc để ở nhà chăm lo cho gia đình và bắt cô phải lựa chọn, hoặc là nghỉ việc, hoặc là ra khỏi nhà. Mọi uất ức bùng lên, cô đã quyết định ly hôn sau 3 năm chung sống và khi mới sinh con được vài tháng.
Sau khi cưới nhau, vợ chồng Mai được ra ở riêng bên cạnh nhà bố mẹ chồng. Vì ở riêng, nên quan hệ giữa mẹ chồng, con dâu khá tốt đẹp. Tuy nhiên, mâu thuẫn bắt đầu từ khi Mai sinh con, cháu đích tôn của gia đình. Bà nội dành hết mọi sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu đứa cháu bé bỏng.
Vốn là người chủ động, lại muốn tự tay chăm sóc con mình, Mai đã tìm hiểu nhiều phương pháp nuôi dạy con mới và khoa học trên mạng, trong sách báo nhưng mẹ chồng cô thì lại nghĩ khác. Con ăn sữa gì, mặc quần áo gì, tắm rửa ra sao cũng do bà quyết định. Những mâu thuẫn nhỏ bé cứ âm thầm nhen nhóm. Một lần thằng bé bị ốm, sốt cao. Mai sốt ruột đòi ẵm bé đi khám, còn bà thì cứ một mực nói bé bị thương thực, cứ chữa theo cách thông thường, đến khi bé sốt cao, có dấu hiệu co giật, mới hốt hoảng đưa vào bệnh viện. Sau lần đó, cô làm mọi cách để “cách ly” mẹ chồng với con trai. Mọi chuyện chỉ tạm thời êm đẹp trở lại khi cháu đích tôn đến tuổi đi nhà trẻ, tuy nhiên, “quan hệ của mình với mẹ chồng cũng không còn tốt đẹp như xưa”, Mai nói.
Hãy yêu thương và khoan dung
Anh Quân, chồng Mai than thở: “Một bên là vợ, một bên là mẹ, dù biết là ai cũng muốn tốt cho con cho cháu, nhưng chả ai chịu nhường ai. Đi làm về mệt, lại cứ phải nghe tranh cãi toàn những chuyện vụn vặt, riết rồi tôi cũng ngán quá chừng, sợ bị lôi kéo vào cuộc chiến chăm con không có hồi kết này”.
Sự khác biệt trong cách suy nghĩ giữa các thế hệ luôn là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn trong các gia đình, đặc biệt là hai “phe” muôn đời đối kháng: mẹ chồng - nàng dâu. Gia đình êm ấm hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách xử lý của người đàn ông trước những trận chiến âm thầm hàng ngày diễn ra giữa mẹ chồng và nàng dâu. Chị Nga tâm sự: “Quyết định chấm dứt tất cả là điều không dễ dàng, nhưng nếu chồng mình mạnh mẽ hơn, biết bênh vực vợ hay biết là người trung gian giải quyết mâu thuẫn thì dù có khổ thế nào, mình cũng có thể chịu đựng được. Đằng này…”.
Không có công thức chung cho việc giải quyết từng mâu thuẫn vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người mỗi tính... Nhưng thiết nghĩ, để xây dựng một mối quan hệ hòa thuận yên ấm, cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong tình huống này, người chồng cần đóng vai trò cầu nối, ứng xử khách quan để không thiên vị bên nào và quan trọng là giúp cả hai người phụ nữ thân yêu nhất của mình nhận thấy những điều có thể dẫn đến bất đồng, xung đột.
Trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, 2 bên nên mở lòng để tiếp nhận nhau. Mẹ chồng cần nhìn nhận con dâu ở góc độ đây là vợ của con trai mình và mẹ của cháu nội mình, là người góp phần vun đắp hạnh phúc cho gia đình con trai mình; còn con dâu thì nên ghi nhớ, mẹ chồng là người có công sinh đẻ, dưỡng dục chồng mình, là người mà chồng mình rất yêu quý và kính trọng. Khi đã hiểu được như vậy thì hai bên sẽ điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của mình, từ đó mới có thể yêu thương và dễ dàng khoan dung cho những lỗi lầm của nhau.
HIỀN THƯ