Quy Nhơn & dấu ấn “Giã”
“Giã” là một thành tố quan trọng không chỉ với khu vực tỉnh Bình Định ngày nay mà còn ảnh hưởng lan rộng đến KT-XH, đời sống dân cư vùng lân cận và lên Tây Nguyên. “Giã” in đậu dấu ấn của mình vào văn học dân gian.
Bình Định từng là nơi tọa lạc kinh đô xưa của vương triều Champa, vương triều Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Ở góc độ địa lý chiến lược, hệ thống đầm Thị Nại đóng vai trò đầu mối quan trọng cho một hệ thống trao đổi từ biển vào rất sâu trong đất liền, kết nối ven sông và các trung tâm vệ tinh của kinh thành; kết nối giữa các chợ vùng miền trong tỉnh và cho cả vùng Tây Nguyên rộng lớn, trong đó Quy Nhơn vùng đất bên đầm Thị Nại nơi chứng kiến sự hợp lưu, giao hòa giữa sông và biển đem đến một địa thế thịnh vượng, thu hút tập trung giới thương nhân Phương Tây, người Hoa, người Việt đến nơi đây buôn bán, trao đổi và dấu ấn “nậu nguồn” đã minh chứng cho sợi dây kết nối “lên nguồn, xuống biển” cùng lời hò hẹn, nhớ thương: Ai về nhắn với Nậu nguồn/ Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên.
Quy Nhơn năm 1942, thời điểm theo Quách Tấn “lưỡi cát Quy Nhơn chỉ có người chài lưới ở để làm nghề chế biến cá, làm mắm”.
Và những chuyến ghe bầu ngược xuôi sông Côn qua ngã Vạn Gò Bồi - Kẻ Thử - cửa Thị Nại - đầm Thị Nại đã góp phần tạo điều kiện ra đời hệ thống phố thị, chợ ven đầm, như: Chợ Cẩm Thượng (tục gọi chợ Triều), chợ Gò Bồi, chợ Kẻ Thử, chợ Ma - bến Vạn… trong đó có chợ Giã là nổi tiếng hơn cả: Muốn ăn đi xuống/ Muốn uống đi lên/ Dạo khắp bốn bên/ Chợ Thành, chợ Giã/ Chợ Dinh bán chả/ Chợ Huyện bán nem... Hay: Anh nguyện cùng em chợ Giã cho chí cầu Đôi/ Nguyền lên Cây Cốc xuống Vạn Gò Bồi giao lân...
Trong chữ Nôm, “giã” đầu tiên có nghĩa là chiếc thuyền mành và rộng hơn là biểu thị cho nghề chế biến cá, phương tiện thuyền bè, di chuyển đi lại trên sông nước. Ở Bình Định, “giã” cũng là cách biểu đạt địa danh gắn bó với vùng đất khá lớn trong đó có làng Chánh Thành được nhắc nhiều trong ca dao Bình Định. Để phù hợp và khả tín trong cách viết, chính xác hơn trong cách dùng cho tên riêng, “giã” được gắn với một khu vực - Cửa Giã, Xóm Giã; một tổ chức - Chợ Giã....
Trong tác phẩm “Nước non Bình Định”, theo Quách Tấn, “giã” là làm cá. Trước kia nơi lưỡi cát Quy Nhơn chỉ có những người chuyên đánh cá, chế biến thủy sản, làm mắm mà thôi. Và cửa biển Quy Nhơn, thời bình, chỉ có ghe thuyền đánh cá ra vào hằng ngày. Cho nên mới gọi là Cửa Giã. Cửa Giã theo cách gọi dân gian, nôm na chính là cửa Thị Nại (Cửa Giã có hòn án ngoài/ Các lái chạy ngoài gọi hòn Lao Xanh), sau này thường gọi là cửa Quy Nhơn. Tên Thị Nại chẳng những dùng để chỉ cửa biển, mà còn dùng để chỉ luôn vùng đầm bên trong, vùng biển phía Nam và lưỡi cát chạy ở giữa đầm và biển.
Phần nhiều tên riêng của chợ làng thường được gắn với tên làng và chợ Giã cũng không nằm ngoài quy luật này (còn có tên gọi khác chợ Thị Nại, chợ Thượng Lộc, chợ Chánh Thành). Theo tác phẩm “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” do Lê Quang Định biên soạn năm 1803 dưới triều vua Gia Long, ghi rõ “444 tầm (tương đương 948 m tính từ chợ Cẩm Thượng)... đến chợ Thượng Lộc tục danh chợ Giã”. Theo mô tả này ngày nay vị trí chợ Giã tương ứng từ số nhà 168 Bạch Đằng đến 138B Bạch Đằng. Năm 1932, chợ Giã bị bão lớn tàn phá, khi xây dựng lại người ta dời chợ về vị trí mới, đó chính là chợ Lớn Quy Nhơn sau này.
“Chợ Giã” trong một văn bản Nôm xưa.
Trong tác phẩm Le Royaume d’Annam xuất bản tại Paris năm 1885, tác giả M. A. Bounais có nhắc đến Xóm Giã - “Chúng tôi nhìn thấy tòa nhà lãnh sự của Pháp, một pháo đài ở phía Đông, bên trái các tòa nhà là Xóm Giã…”. Đối chiếu điều này với bức ảnh chụp tòa nhà Lãnh sự Pháp năm 1888 (Résidence de France à Qui-Nhon (Annam) 1888), có thể xác định được Xóm Giã ngày nay nằm trong phạm vi từ đường Trần Cao Vân cho trải về phía đường 31-3 với phần lớn cư dân tập trung càng gần đầm Thị Nại thì mật độ càng cao.
Lần tìm từng mẩu nhỏ về Quy Nhơn - Cửa Giã, Chợ Giã, Xóm Giã ta bỗng thấy hình hài của Quy Nhơn phát triển không ngừng. Và ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, Quy Nhơn cũng luôn là một cảng thị phát triển rực rỡ, gắn kết trên nền tảng tư duy trọng thương rộng mở; nhuần nhị trong kết nối, dung nạp các nền văn hóa khác nhau để làm giàu có, tinh tế hơn bản sắc của mình.
HOÀNG BÌNH