Phân bổ số lượng cấp phó cho từng cơ quan chuyên môn: Ðảm bảo phù hợp, thống nhất
Những thay đổi trong quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn, nhất là về số lượng lãnh đạo, sẽ góp phần đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện.
Ngày 14.9.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5.5.2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Theo Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang, 2 nghị định mới ban hành này có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
● Xin ông thông tin cụ thể tình hình thực hiện các quy định về số lượng lãnh đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Trước đây, số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện được bố trí tối đa là 3 người theo quy định của Chính phủ. Riêng số lượng cấp phó các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện theo thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh.
Tuy nhiên, quán triệt chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chấp hành nghiêm túc quy định về số lượng cấp phó và có phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo số lượng biên chế được giao của từng tổ chức.
Theo đó, các phòng chuyên môn nghiệp vụ có từ 8 biên chế trở lên được bố trí 2 cấp phó, từ 5 đến dưới 8 biên chế được bố trí 1 cấp phó. Chính vì vậy, sau khi sắp xếp, đến nay số lượng cấp phó bình quân của tỉnh về cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP. Trong đó, cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh bình quân là 2,19 người (không có cơ quan nào bố trí quá 3 cấp phó); cấp phó các phòng chuyên môn, nghiệp vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cao nhất là 2 người (chủ yếu là 1 người); cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện bình quân là 1,2 người (không có cơ quan nào bố trí quá 3 cấp phó).
Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc sáp nhập, hợp nhất một số tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành nên vẫn còn một số cơ quan sau khi sắp xếp có số lượng cấp phó dôi dư so với số lượng quy định, nhưng vẫn không quá 3 người. Số lượng cấp phó dôi dư này sẽ tiếp tục được xem xét, bố trí trong thời gian tới.
● So với các quy định cũ từ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, các quy định về số lượng cấp phó theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP có những thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Thay vì việc quy định số lượng cấp phó cho từng cơ quan như trước đây, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP giao UBND cấp tỉnh, cấp huyện được quyền phân bổ số lượng cấp phó cho từng cơ quan nhưng bình quân không được vượt quá 3 người/cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 2 người/cơ quan chuyên môn cấp huyện. Ngoài ra, các nghị định còn quy định số lượng cấp phó của các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh theo số lượng biên chế được giao và số lượng các tổ chức bên trong của từng đơn vị.
Cụ thể đối với tỉnh Bình Định, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 phó trưởng phòng, có 8 - 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng, có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 phó trưởng phòng. Thanh tra sở có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 phó chánh thanh tra, có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 phó chánh thanh tra. Chi cục thuộc sở có 1 - 3 phòng và tương đương được bố trí 1 phó chi cục trưởng, trường hợp chi cục không có phòng hoặc có từ 4 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 2 phó chi cục trưởng.
● Theo ông, những thay đổi đó sẽ có tác động như thế nào đến tình hình thực hiện trên địa bàn tỉnh? Sở Nội vụ có kế hoạch triển khai áp dụng các quy định mới này như thế nào?
- Việc thay đổi cách thức quy định về số lượng cấp phó các cơ quan chuyên ở cấp tỉnh, cấp huyện giúp cho UBND tỉnh và UBND cấp huyện chủ động bố trí số lượng cấp phó của từng cơ quan phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Không nhất thiết cơ quan nào cũng có 3 cấp phó mà có thể ít hơn hoặc nhiều hơn, nhất là việc bố trí cấp phó ở các sở đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo đủ số lượng lãnh đạo, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng cấp, từng ngành.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của từng cơ quan, trong thời gian đến, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với cơ quan có liên quan để tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ số lượng cấp phó cho từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các sở, đảm bảo phù hợp và thực hiện thống nhất.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)