Thực hiện quy định chức danh tàu cá theo thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT: Ngư dân gặp nhiều khó khăn
Theo quy định tại Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 15.11.2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019, tàu cá muốn vươn khơi phải đáp ứng đầy đủ các chức danh về thuyền viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 22) quy định tàu cá chỉ được phép hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) khi đảm bảo yêu cầu các chức danh tàu cá. Cụ thể, tàu có chiều dài từ 24 m trở lên phải có 4 chức danh: Thuyền trưởng có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền phó có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng I, thợ máy có chứng chỉ thợ máy tàu cá. Với tàu từ 15 đến dưới 24 m phải có 3 chức danh: Thuyền trưởng có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng II và thợ máy tàu cá.
Ngành chức năng tỉnh kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến theo quy định.
Tuy nhiên, tính khả thi của quy định này rất thấp, khiến chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn. Ngư dân Võ Văn Toàn, ở xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn), chủ tàu mành chụp BĐ 98239-TS, bộc bạch: “Nghề biển hiện tìm bạn rất khó, nay họ đi tàu này, mai đi tàu kia; trong khi nhà nước chưa mở thường xuyên các lớp đào tạo chức danh tàu cá. Như tôi có con trai đi biển, nên cho nó học thợ máy tàu cá thuận lợi hơn, chứ nhiều chủ tàu khác cho bạn tàu đi học lấy chứng chỉ, học xong họ sang tàu khác làm việc”.
Chuyện nhiều bạn tàu đi biển được chủ tàu đầu tư tiền cho đi học chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá, khi học xong họ chuyển sang tàu khác hoặc tìm cớ để bỏ đi khá phổ biến. Ngư dân Huỳnh Chánh Thi, ở phường Hoài Hương (TX Hoài Nhơn), chủ 5 tàu cá đánh bắt xa bờ, tâm tình: “Mấy năm trước tôi bỏ tiền ra cho bạn tàu đi học lấy chứng chỉ thuyền trưởng, gặp khi tàu lỗ tổn mấy chuyến liên tục, họ liền bỏ tàu mình ngay. Đến nay chủ tàu với bạn tàu chỉ thỏa thuận làm việc bằng miệng chứ không ràng buộc bằng giấy tờ; kêu làm hợp đồng là họ không chịu, bỏ ngay. Người thì thiếu, không làm tàu này thì họ làm tàu khác!”.
Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Thủy sản phối hợp Hiệp hội Thủy sản tỉnh và Viện KH&CN KTTS (Trường ÐH Nha Trang) đào tạo và cấp chứng chỉ cho 507 thuyền trưởng tàu cá hạng II, 604 máy trưởng tàu cá hạng II, 363 thuyền trưởng tàu cá hạng III, 52 máy trưởng tàu cá hạng III và 2.495 thợ máy tàu cá. Số lượng này so với nhu cầu thực tế là rất thấp.
Không chỉ chủ tàu vùng khơi, ngay cả các chủ tàu cá hoạt động tại vùng lộng cũng gặp khó khăn tương tự. Ngư dân Hồ Văn Lập, ở phường Quang Trung (TP Quy Nhơn), chủ tàu giã cào BĐ 91382-TS, thổ lộ: “Tàu tôi dưới 15 m, KTTS tại vùng lộng phải đáp ứng 3 chức danh: Thuyền trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng III, ngoài ra phải có thêm ít nhất 1 thuyền viên. Nghề đi biển đánh cá của mình bao đời qua là trước bày nay làm, nghề dạy nghề. Thay đổi theo quy định là đúng nhưng thời gian như vậy là quá gấp, ban hành tháng 11.2018 mà ngày 1.1.2019 có hiệu lực thì trở tay không kịp. Hơn nữa Nhà nước cũng không tạo điều kiện mở lớp, hỗ trợ đào tạo… Như tôi chẳng hạn, mỗi chuyến biển cố gắng lắm mới tìm đủ 3 người bạn để đi biển, thêm điều kiện như quy định thì rất căng”.
Ngoài quy định các chức danh tàu cá từ 12 m đến trên 24 m thì nhóm tàu cá có chiều dài 6 đến dưới 12 m KTTS vùng ven bờ cũng phải đáp ứng quy định có 1 thuyền trưởng tàu cá hạng III và ít nhất 1 thuyền viên. Nhưng ngư dân KTTS ven bờ gần như không mấy chú trọng thực hiện.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Việc triển khai quy định về các chức danh trên tàu cá gặp không ít khó khăn do thiếu lao động nghề biển. Để tạo thuận lợi cho ngư dân, Chi cục đã phối hợp với Hiệp hội Thủy sản tỉnh và Viện KH&CN KTTS (Trường ĐH Nha Trang) mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá theo chương trình ngắn hạn; ngư dân học đủ số tiết, kiểm tra đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ các chức danh. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương ven biển tuyên truyền cho ngư dân biết để đăng ký tham gia các lớp đào tạo chức danh tàu cá theo luật định. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý tàu cá chặt chẽ, không cho các tàu vươn khơi khi chưa đáp ứng đầy đủ giấy tờ, chứng chỉ theo quy định.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN