Hướng đến phục vụ người dân ngày càng tốt hơn
Hoạt động điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2020 tiếp tục thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp xã, hướng đến kết quả khách quan, toàn diện, sát thực tế.
Ngày 23.10, Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2020. Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) - nhấn mạnh: Kết quả điều tra đo lường chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, cung cấp cái nhìn toàn diện, khách quan, giúp các cơ quan hành chính nhà nước khắc phục những mặt chưa được, từ đó phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.
Điểm mới đáng chú ý là hoạt động điều tra SIPAS năm 2020 sẽ thực hiện đến cấp xã.
Tiếp nối thành công đó, hoạt động điều tra SIPAS năm 2020 sẽ được tiến hành tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số cỡ mẫu là 36.630 phiếu; trong đó TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương có 2.520 phiếu; các tỉnh, thành phố còn lại điều tra 480 - 690 phiếu. Thời gian phát, thu phiếu điều tra dự kiến từ ngày 26.10 đến 22.11.
Kết quả SIPAS 2019 cho thấy, có 84,4% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018 và gần 2,3% so với năm 2017.
Chỉ số SIPAS 2019 của Bình Ðịnh đạt 81,8 điểm, xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố; năm 2018, chỉ số này của tỉnh là 71,8 điểm, xếp vị trí 61/63 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Bình Định được phân bổ 480 phiếu. Ở cấp tỉnh, hoạt động điều tra sẽ được thực hiện đối với dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lĩnh vực môi trường (Sở TN&MT); cấp giấy phép lái xe, lĩnh vực vận tải (Sở GTVT); cấp giấy phép xây dựng, lĩnh vực quy hoạch/xây dựng (Sở Xây dựng); lĩnh vực văn hóa cơ sở, lĩnh vực TDTT (Sở VH&TT); lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, lĩnh vực chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT); lĩnh vực lý lịch tư pháp, lĩnh vực trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp).
Với UBND cấp huyện, hoạt động điều tra thực hiện trên lĩnh vực đất đai, dịch vụ cấp giấy phép kinh doanh. Tại mỗi huyện chọn 3 xã để điều tra đối với lĩnh vực tư pháp và lĩnh vực LĐ-TB&XH.
Năm 2020 là năm thứ hai Bưu điện tỉnh được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ủy quyền thực hiện phát, thu phiếu điều tra xã hội học theo chương trình phối hợp và hợp đồng ký kết giữa Bộ Nội vụ và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; chịu trách nhiệm về kết quả phát, thu phiếu điều tra xã hội học của tỉnh.
Ðể đảm bảo kết quả điều tra SIPAS trung thực, khách quan, Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội CCB tỉnh kiểm tra, phúc tra kết quả phát, thu phiếu điều tra xã hội học trong phạm vi tỉnh; chịu trách nhiệm về kết quả phúc tra của tỉnh. Nội dung phúc tra gồm: Phiếu điều tra xã hội học có do đúng đối tượng có tên trong danh sách mẫu chính thức hoặc dự phòng trả lời hay không; điều tra viên có định hướng, can thiệp vào việc trả lời phiếu của đối tượng điều tra xã hội học hay không.
Theo đó, Bưu điện tỉnh sẽ chọn điều tra viên và gửi danh sách điều tra viên của tỉnh về Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để tổng hợp, Bộ Nội vụ để theo dõi. Sau đó, thực hiện phát, thu phiếu điều tra xã hội học trong phạm vi tỉnh; cung cấp cho Sở Nội vụ bản photocopy danh sách người dân, tổ chức đã trả lời phiếu điều tra xã hội học để phục vụ việc kiểm tra, phúc tra kết quả phát, thu phiếu điều tra; giao nộp cho Bộ Nội vụ kết quả phát, thu phiếu điều tra xã hội học.
“Trong lần thứ hai thực hiện nhiệm vụ, Bưu điện tỉnh đã có kinh nghiệm nhất định trong việc chọn điều tra viên và tiến hành điều tra. Tuy nhiên, hiệu quả điều tra phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của người dân, tổ chức. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ trong quá trình thực hiện điều tra để có kết quả chính xác nhất”, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phan Thị Lê Hoa chia sẻ.
MAI LÂM