Triển khai 3 chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ: Không để bỏ sót, lọt trẻ
Mục tiêu đặt ra của 3 chiến dịch bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td), bại liệt (IPV), sởi - rubella (MR) từ nay đến cuối năm 2020 là đảm bảo hơn 98% trẻ được tiêm.
Hai loại vắc xin Td và IPV triển khai tiêm đồng loạt toàn tỉnh; riêng vắc xin MR sẽ dành cho trẻ 5 vùng nguy cơ cao. Đến ngày 23.10, có 22.667/25.992 trẻ 7 tuổi đang học lớp 2 và trong cộng đồng được tiêm bổ sung Td, đạt tỷ lệ 87,72%; hiện đang tiến hành tiêm vét. Với IPV, đến nay huyện Phù Mỹ triển khai đầu tiên.
Chốt số lượng trẻ đúng, đủ
Với 520 trẻ 7 tuổi trong diện tiêm Td, phường Đống Đa có số lượng trẻ tiêm đông nhất của TP Quy Nhơn. Trong ngày 21 - 22.10, Trạm Y tế phường tổ chức điểm tiêm tập trung tại Trường Tiểu học Đống Đa và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Buổi tiêm chiều 22.10 tại điểm tiêm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là buổi tiêm cuối cùng của chiến dịch.
Trạm y tế phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi học lớp 2 tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Bác sĩ Trà Văn Trinh, Trưởng Trạm Y tế phường Đống Đa, cho hay: “Trong số 520 trẻ của phường, Trường Trần Quốc Toản có 290 trẻ, Trường Đống Đa có 180 trẻ. Còn lại 50 trẻ chủ yếu là trẻ vãng lai, chúng tôi phối hợp địa phương rà soát kỹ để tổ chức tiêm tại trạm y tế, không để bỏ sót trẻ. Điểm tiêm được bố trí một chiều với bàn đón tiếp, bàn khám phân loại, 2 bàn tiêm, khu vực chờ, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm”.
Bác sĩ Võ Văn Trung, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn cho biết, thành phố có 5.321 trẻ trong diện tiêm Td thuộc 30 trường tiểu học, số trẻ ngoài cộng đồng không đi học là 10 trẻ. Từ ngày 21 - 23.10, các trạm y tế phối hợp với trường tiểu học tổ chức các điểm tiêm với khoảng 90% trẻ được tiêm, đến nay chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Những trường hợp hoãn tiêm sẽ được tổ chức tiêm vét tại trạm y tế.
Theo Sở Y tế, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td sẽ thực hiện cho 26.138 trẻ, gồm 26.120 trẻ 7 tuổi đang học lớp 2 và 18 trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng. IPV tiêm cho 47.936 trẻ sinh từ ngày 1.3.2016 - 28.2.2018. MR tiêm cho 62.822 trẻ 1 - 5 tuổi tại TP Quy Nhơn (17.330), TX An Nhơn (12.829), huyện Phù Mỹ (12.004), TX Hoài Nhơn (13.677), huyện Hoài Ân (6.982).
Hoàn thành chiến dịch Td với 2.874/1.890 trẻ được tiêm (99,4%), huyện Phù Mỹ đang triển khai tiêm IPV. Với số lượng lớn (6.041 trẻ), công tác tổ chức tiêm cũng linh hoạt hơn, có thể tại trường mầm non, mẫu giáo, hoặc tại trạm.
Trường Mẫu giáo thị trấn Phù Mỹ có 107 trẻ trong diện tiêm IPV, nhưng phải tổ chức thành 3 điểm tiêm tại 3 điểm trường: Thôn Trà Quang (42 trẻ), Trà Quang 2 (40 trẻ), Diêm Tiêu (24 trẻ). “Nhà trường hỗ trợ điều tra, lập danh sách trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng; đồng thời vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin. Chúng tôi thông báo cho phụ huynh của trẻ có mặt trong buổi tiêm, trường hợp bất khả kháng không có mặt thì nhà trường bố trí các cô giáo hỗ trợ”, cô Huỳnh Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay.
Không tổ chức tại trường mẫu giáo, mầm non, 270 trẻ ở xã Mỹ Tài thuộc diện tiêm IPV (80 trẻ mẫu giáo và 190 trẻ chưa đi học) được tiêm vắc xin tại trạm y tế. Bác sĩ Thân Văn Hùng, Trưởng trạm y tế xã Mỹ Tài, cho biết, trẻ chưa tiêm trong đợt này sẽ được tiêm vét sáng 29.10. Tương tự, tại xã Mỹ Hiệp, toàn bộ 326 trẻ đều được tiêm tại trạm y tế.
Đảm bảo an toàn cho trẻ
Ba chiến dịch tiêm Td, IPV, MR được triển khai đồng loạt với số lượng trẻ rất lớn, tạo áp lực về công tác tổ chức, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Bác sĩ Trần Văn Hạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Phù Mỹ, chia sẻ: Tất cả nhân viên y tế được tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, tiêm chủng an toàn, phòng, chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng. Các buổi tiêm chủng đều phải thực hiện đúng quy trình một chiều. Trong chiến dịch, TTYT sẵn sàng 2 đội cấp cứu lưu động; trạm y tế trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời bất thường sau tiêm.
Trong khi đó, bác sĩ Võ Văn Trung cho hay: “Chúng tôi lo nhất là sự thiếu đồng thuận của phụ huynh. Do vậy, yêu cầu tất cả trạm y tế phải đảm bảo công tác lập kế hoạch tỉ mỉ; nghiêm ngặt quy trình một chiều trong tiêm chủng; tư vấn và hướng dẫn cặn kẽ theo dõi sau tiêm. Các loại vắc xin tiêm bổ sung không nhiều phản ứng như vắc xin 5 trong 1, nhưng chúng tôi vẫn quán triệt trạm y tế phải lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ!”.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhấn mạnh: Công tác giám sát chặt chẽ phản ứng sau tiêm cho trẻ rất quan trọng. Ngoài thời gian theo dõi 30 phút sau tiêm tại trạm y tế, đề phòng những trường hợp phản ứng muộn, các trạm phải tư vấn, hướng dẫn kỹ cho phụ huynh theo dõi trẻ tại nhà trong vòng 24 - 48 giờ sau tiêm, trường hợp không yên tâm thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.
MAI HOÀNG