Thi hành luật phòng, chống tác hại thuốc lá: Vẫn khó xử lý vi phạm
Qua 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh, hầu hết các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp trong tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và tổ chức phổ biến Luật. Công tác tuyên truyền được thực hiện cho nhiều đối tượng với nội dung, qua nhiều kênh và hình thức khác nhau. Đến nay, có khoảng 52% cán bộ, người dân trong tỉnh tìm hiểu về Luật thông qua việc tham gia các hoạt động tập huấn; cuộc họp phổ biến ở cơ quan, đơn vị, địa phương; qua kênh thông tin đại chúng… Đã triển khai cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, công sở, bến xe, nhà ga, trường học, bệnh viện, sân bay, nhà ga; tăng cường thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc, thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại 6 nhà hàng, 21/21 bệnh viện.
Tuy vậy, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung, hiện tượng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nhiều điểm công cộng còn xảy ra khá nghiêm trọng; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao. Thời gian qua, các ngành đã tổ chức 4 đợt kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; kiểm tra xe bán thuốc lá, tạp hóa, quán cà phê tại TP Quy Nhơn… nhưng mới dừng ở nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm quy định, chưa thực hiện xử phạt.
Tại cuộc kiểm tra của Công đoàn Y tế Việt Nam tại Bình Định mới đây, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho rằng, tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là công việc hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, để đảm bảo môi trường y tế không khói thuốc lá, mỗi nhân viên y tế phải là một tuyên truyền viên cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Cơ sở y tế tăng cường hơn nữa truyền thông về Luật; quan tâm hơn đến phòng, chống tác hại các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, shisha... Tăng cường phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền đến thanh, thiếu niên…
HOÀNG ANH