Phản hồi từ bài viết Bác sĩ vừa khám bệnh, kê toa kiêm bán thuốc:
Nhiều người không tán thành cách làm này
Sau khi báo Bình Định (số báo 4970, ra ngày 2.4) đăng bài Bác sĩ khám bệnh, kê toa kiêm bán thuốc tại các phòng mạch tư: Vi phạm phổ biến không ai… “thổi còi”, Báo Bình Định đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Sau đây là một số ý kiến:
* Bài viết của tác giả Nguyên Nam đã phản ánh đúng thực tế hiện nay đang xảy ra tại các phòng khám tư. Bác sĩ khám bệnh kê toa, bán thuốc tràn lan ra đó, vậy mà trong năm 2012, thanh tra ngành y tế chỉ phát hiện được 1 trường hợp vi phạm thì thật quá phi lý. Việc thanh tra ngành y tế nói chưa nhận được đơn thư phản ánh của người dân, đề nghị người dân phản ánh nghe ra có vẻ thụ động. Đó là nhiệm vụ và bổn phận phải làm của cơ quan thanh tra, đâu thể nói không có phản ánh rồi thôi. Thực tế đầy ra đó mà chỉ xử lý được có 1 trường hợp thì cũng nên xem xét lại việc cơ quan thanh tra y tế có nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ hay không.
Tuy nhiên cần phải nhắc thêm rằng không phải bác sĩ nào cũng “kê toa bán thuốc”. Trước đây mẹ tôi bị bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm thường đến nhà một bác sĩ ở đường Nguyễn Huệ để khám. Vị bác sĩ này chỉ lấy tiền công khám, điều trị châm cứu nhưng kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua vì như ông nói: “Tôi bán thì giá nào bệnh nhân cũng mua, nhưng tôi không làm việc đó được”. Thậm chí, ông còn chỉ cho bệnh nhân mua thuốc ở những tiệm thuốc tây bán “nới” giá hơn các tiệm khác. Bệnh nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh đến khám nhà ông nhiều vì ông khám bệnh ân cần chu đáo và điều trị bệnh tốt.
ngocnhuandoan@facebook.com
* Tôi rất bức xúc trước tình trạng bác sĩ khám bệnh, kê toa kiêm bán thuốc tại các phòng mạch tư, chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Thậm chí có phòng mạch sử dụng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại nhưng không niêm yết giá để bệnh nhân biết đường định liệu. Để rồi, sau khi bác sĩ tính gộp các khoản: khám, sử dụng dịch vụ và tiền thuốc, bệnh nhân mới thấy ấm ức, chẳng khác nào như bị móc túi vậy. Tôi nghĩ, ngành y tế nên tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở hành nghề y tư nhân để phát hiện vi phạm, chấn chỉnh tình trạng này.
Ông Trần Lê V., 78 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn
* Việc bác sĩ vừa khám vừa kê đơn bán thuốc là việc đã tồn tại nhiều năm, đa số người dân cũng xem như là việc bình thường và thậm chí còn có cảm giác yên tâm vì ít ra người bệnh cũng được bác sĩ giải thích về bệnh nhiều hơn ở bệnh viện. Mặc dù không nói là tất cả, nhưng đa số các bác sĩ, nhất là các bác sĩ nhi đều khám bệnh, kê toa và bán thuốc tại chỗ. Tại những phòng khám lớn, bác sĩ chỉ kê toa, không ép người bệnh mua thuốc hoặc có chăng cũng hỏi “có lấy thuốc luôn không” và để bệnh nhân quyết định. Tuy vậy, đa phần người bệnh khi khám xong đều mua thuốc tại chỗ luôn cho chắc, dù biết giá thuốc có đắt hơn ở ngoài chút đỉnh. Còn ở các phòng khám tư nhỏ hơn, bác sĩ khi khám xong thì kê toa và bán thuốc luôn, không cần hỏi người bệnh có muốn mua không. Có bác sĩ thì không cần kê đơn, chỉ lấy thuốc và hẹn ngày tái khám cho bệnh nhân.
Việc bác sĩ kiêm bán thuốc có trái với quy định hay không, thì cũng giống như chuyện dài… về dạy thêm học thêm vậy. Cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể để hạn chế việc các bác sĩ lấy tiền thuốc quá cao hay bán thuốc không dứt bệnh để người bệnh quay lại khám tiếp chớ không thể cấm hoàn toàn, và thực tế là đã không cấm được.
maihong@gmail.com
Tôi làm việc cho một công ty nước ngoài. Ngày 02.04.2013 cô con gái 4 tuổi của gia đình người một khách của công ty tôi bị đau bụng vì thức ăn, vì khách là người nước ngoài nên cần có người trợ giúp. Tôi đã đưa bé đến một phòng khám tư nhân trên đường Nguyễn Huệ để khám, mọi thủ tục chỉ rất đơn sơ không trải qua các bước xét nghiệm hay chụp hình gì và với một đơn thuốc cũng chỉ vài thứ thuốc. Nhưng khi thanh toán tôi phải hoảng vì giá tiền lên đến 1.156.000 ngàn. Tôi thắc mắc: Tại sao lại mắc vậy chị? Cô nhân viên này đã gọi điện thoại cho vị bác sĩ và vẫn y giá cũ. Không biết là phòng khám này đã nghĩ: 1) Khách người nước ngoài thì lấy bao nhiêu cũng được? 2) Hay là do giá trị của thuốc, nhưng một điều là cho đên hôm nay 04.04.2013 bé vẫn bị nôn và ỉa chảy.