Chủ động ứng phó bão số 9: Không để nhân dân đói rét, khó khăn, thiếu thốn
● Tỉnh Bình Định sẽ cấm biển từ 17 giờ chiều nay (26.10)
(BĐ) - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến ứng phó cơn bão số 9 diễn ra sáng 26.10. Đồng chủ trì cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; cùng các bộ, ngành Trung ương.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 vào sáng 26.10.
Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì cuộc họp; Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 là cơn bão di chuyển nhanh, với cường độ mạnh gây sóng lớn cao từ 8-10m ở khu vực Biển Đông. Từ chiều 27 đến rạng sáng 28.10, bão số 9 tiến sâu vào đất liền với sức gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14; vùng ven biển các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ sóng biển cao từ 6-7m, phạm vi ảnh hưởng từ Nam Nghệ An đến Khánh Hòa, trọng tâm là khu vực Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Cấp độ thiên tai được cảnh báo ở cấp IV.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: “Đến nay, phương án PCTT&TKCN của các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tất cả các biện pháp ứng phó bão số 9 được tỉnh Bình Định thực hiện nghiêm túc. Cả tỉnh hiện có 30 hồ chứa nước xuống cấp, hư hỏng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương chủ động phương án để ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra; với 24 hộ dân sống tại khu vực núi Gành, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phù Cát bố trí tái định cư và di dời người dân đến nơi an toàn”.
Cùng với đó, các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch sản phẩm, nông dân cũng đã thu hoạch hơn 3.700 ha lúa vụ mùa. Đối với 4.122 ha lúa vụ 3 gieo khô đang trong giai đoạn trổ là các chân ruộng cao, khó ngập.
Ngoài ra, hiện có 4.000 khách du lịch chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn, không có khách lưu trú tại đảo Nhơn Châu và khu du lịch Kỳ Co, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND TP Quy Nhơn thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.
Ngư dân trong tỉnh cho tàu cập cảng Quy Nhơn bán sản phẩm và neo đậu tránh trú bão số 9.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và ứng phó bão số 9. Đặc biệt, các tỉnh miền Trung đang bị lũ lụt, phải có những phương án tốt nhất vừa ứng phó bão số 9, vừa cứu hộ cứu nạn; không để nhân dân đói rét, khó khăn, thiếu thốn. Các tỉnh phải quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” để triển khai đồng bộ các phương án ứng phó bão sát với thực tiễn địa phương. “Phải khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão số 9 với tinh thần đề cao cảnh giác, triển khai quyết liệt, đồng bộ. Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương không tổ chức hội họp, trừ các cuộc họp quan trọng để tập trung ứng phó bão. Sau bão phải thực hiện tốt các phương án cứu hộ cứu nạn, tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
* Chiều cùng ngày, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về ứng phó bão số 9. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài thông tin Duyên hải Quy Nhơn đang tăng cường thông báo diễn biến bão số 9; liên lạc với thuyền trưởng và người nhà chủ tàu hướng dẫn tàu cá di chuyển khỏi vùng biển nguy hiểm, về nơi trú tránh. Số lượng tàu cá hoạt động trên biển được kiểm soát tại các khu vực: Vùng biển Hoàng Sa 5 tàu; khu vực Trường Sa 256 tàu; khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa 62 tàu. Riêng 139 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận được thông tin bão số 9 và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Còn theo Cảng vụ Quy Nhơn, tính đến 11 giờ trưa nay, có 31 tàu vận tải đã giải phóng hàng và rời khỏi cảng Quy Nhơn, hiện còn 12 tàu đang cập cầu cảng để xếp dỡ hàng hóa; 12 tàu đang neo đậu tại phao số 0.
Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn Vũ Thế Quang cho biết: “Đơn vị đã mời thuyền trưởng các tàu làm việc, yêu cầu họ đưa tàu ra khỏi khu vực cảng Quy Nhơn. Chiều nay sẽ cố gắng đưa 12 tàu làm hàng xong rời khỏi cảng, tạm dừng tàu vãng lai vào cảng Quy Nhơn; dự kiến đến sáng mai (27.10) còn 30 tàu tại khu vực cảng Quy Nhơn. Tùy theo cỡ tàu mà đơn vị hướng dẫn neo đậu tại khu vực đầm Thị Nại để đảm bảo an toàn nhất có thể, cố gắng giảm lượng tàu tại chỗ thấp nhất”.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương không để người hoạt động trên tàu hàng, tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có mưa bão. Phải vào cuộc quyết liệt, cương quyết để ứng phó bão số 9, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Lệnh cấm biển được ban hành và có hiệu lực từ 17 giờ hôm nay (26.10).
ĐOÀN NGỌC NHUẬN