Dồn lực chống bão, tập trung lo cho dân !
Ðây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến ứng phó cơn bão số 9 diễn ra sáng 26.10. Tại điểm cầu Bình Ðịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì cuộc họp.
Lãnh đạo UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để triển khai công tác ứng phó bão số 9. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phải tập trung lo cho dân
Ðại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Bộ CHQS tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng 1.912 chiến sĩ cùng 29 xe ô tô các loại; 2 xe đặc chủng; 1 bộ vượt sông nhẹ; 21 tàu ST 660 và ST 450; 4 chiếc xuồng; 165 nhà bạt; 3.675 áo phao các loại và nhiều vật dụng khác phục vụ cho công tác ứng phó với bão số 9. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ quốc phòng cũng đã cam kết chi viện cho Bình Ðịnh 4.000 quân và các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
M. HẢI
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải đảm bảo an toàn cho dân, nhất là những người nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền neo đậu trú tránh bão; tập trung sơ tán nhân dân sống tại các vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, vùng ven biển đến nơi an toàn. Tập trung vận động nhân dân chằng chống nhà cửa; đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hạ tầng giao thông, hệ thống lưới điện… Phải khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão số 9 với tinh thần đề cao cảnh giác, vận động đồng bộ, triển khai quyết liệt. Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương không tổ chức hội họp, trừ các cuộc họp quan trọng để tập trung ứng phó bão. Sau bão phải thực hiện tốt các phương án cứu hộ cứu nạn, tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Ông Trần Sĩ Dũng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết, bão số 9 vào đất liền đúng thời điểm thủy triều ở Bình Định còn ở mức cao, nên sẽ tăng thêm mức độ nguy hiểm. Mưa lớn sẽ xảy ra trên diện rộng, tổng lượng từ ngày 27 - 29.10 khoảng 200 mm, có nơi trên 300 mm. Trên các con sông sẽ xuất hiện một đợt lũ mới, khu vực đồng bằng, thấp trũng rất dễ xảy ra tình trạng ngập lụt, khu vực miền núi, trung du có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các địa phương cần phải xác định cụ thể những điểm dễ bị sạt lở, triều cường, ngập lụt, lập danh sách các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng và triển khai nhanh phương án di dời dân đến nơi an toàn. Trước 19 giờ ngày 27.10 phải xong công tác này.
Ngư dân chủ động giằng neo cho tàu cá đậu tại cảng cá Quy Nhơn tránh va đập khi bão vào bờ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chủ động các giải pháp ứng phó
Tại Bình Định, công tác ứng phó bão số 9 được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 26.10.
Cấm biển từ chiều 26.10
Chiều 26.10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về ứng phó bão số 9. Tại cuộc họp Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện lệnh cấm biển từ chiều 26.10.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, có 15.364 hộ dân với 64.990 nhân khẩu tại 110 xã, phường của 11/11 huyện, thị xã, thành phố nằm trong vùng nguy hiểm, cần phải sơ tán khi xảy ra thiên tai, mưa lũ lớn. Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 tàu cá/hơn 43.000 ngư dân; trong số này, có 4.607 tàu/31.854 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại bến, số tàu cá còn lại đã nắm bắt thông tin về bão số 9 và cập các cảng cá trong và ngoài tỉnh để trú tránh bão. Riêng 139 tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm đã nhận được thông tin bão số 9 và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tỉnh ta còn 210 ha lúa vụ 3 gieo sạ đã chín nhưng chưa thu hoạch và 4.122 ha lúa vụ 3 gieo khô đang trong giai đoạn trỗ. Tại các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, TP Quy Nhơn 1.051 ha mặt nước nuôi tôm và 2.750 lồng bè nuôi thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9. Hệ thống thủy lợi cũng có nhiều quan ngại, nhất là đối với 15 hồ chứa hư hỏng nặng, xung yếu chưa có điều kiện nâng cấp, kiên cố.
M. HẰNG - B. MINH
Nhận định bão số 9 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi hoạt động mạnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cấp, các ngành dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó bão số 9 với quyết tâm cao nhất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Đến nay, tất cả các biện pháp ứng phó bão số 9 được tỉnh Bình Định thực hiện nghiêm túc. Cả tỉnh hiện có 30 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương chủ động phương án để ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra; tiến hành di chuyển các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND TP Quy Nhơn thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.
Lực lượng BĐBP tỉnh đang phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, UBND các huyện, thành phố ven biển thông báo gia đình chủ tàu, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Trung tá Phạm Bảo Ân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi đã cử lực lượng phối hợp với Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, Chi cục Thủy sản hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn đảm bảo an toàn, tránh va đập gây thiệt hại tài sản cho ngư dân. Đồng thời, bố trí canô tuần tra quanh khu vực Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) để giúp ngư dân nuôi thủy sản lồng bè giằng neo, gia cố lồng bè nuôi thủy sản an toàn, nghiêm cấm người ở lại trên bè nuôi thủy sản khi có bão vào”.
Theo Cảng vụ Quy Nhơn, tính đến 11 giờ trưa 26.10, có 31 tàu vận tải đã giải phóng hàng và rời khỏi cảng Quy Nhơn, hiện còn 12 tàu đang cập cầu cảng để xếp dỡ hàng hóa, 12 tàu đang neo đậu tại phao số 0. Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn, cho biết: “Riêng trường hợp tàu hàng bị nạn tại khu vực biển Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát các thuyền viên đã được cứu hộ an toàn; chủ tàu đã hút hết dầu trên tàu vào đêm 25.10 và đang thuê trục vớt, kéo tàu ra khỏi khu vực mắc cạn trước khi bão số 9 đổ bộ vào. Khu vực cảng Quy Nhơn cũng đã bố trí 12 tàu lai dắt của Công ty CP Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH VTB Cửu Long để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có bão”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão số 9. Ảnh: CÔNG CƯỜNG
Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho hay: Thị xã đã chỉ đạo ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương phối hợp với chủ các tàu cá hướng dẫn ngư dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, hướng dẫn các hộ dân sinh sống ven biển chằng chống nhà cửa và khẩn trương thu hoạch lúa vụ 3 theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Nguồn: BTV
Huyện Hoài Ân cũng đã xác định 32 điểm có nguy cơ sạt lở và lập danh sách 92 hộ dân bị ảnh hưởng để triển khai phương án di dời đến nơi an toàn. Đối với 6 hồ thủy lợi xung yếu chưa có điều kiện nâng cấp, UBND huyện Hoài Ân đã chỉ đạo các địa phương gia cố tạm và triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ chứa theo phương châm 4 tại chỗ.
Huyện An Lão đang nỗ lực khắc phục các điểm bị sạt lở trên tuyến đường từ xã An Quang đến xã An Toàn, đồng thời triển khai phương án ứng phó với bão số 9. “Huyện đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần tại chỗ, sẵn sàng di dời 850 hộ dân các xã An Hòa, An Nghĩa, An Quang, An Vinh đến nơi an toàn”- Chủ tịch UBND huyện An Lão Trương Tứ cho biết.
TIẾN SỸ - NGỌC NHUẬN