TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ MUA BÁN, GIẾT MỔ GIA CẦM TẠI TP QUY NHƠN:
Ðảm bảo lợi ích cho dân
UBND TP Quy Nhơn đã và đang siết chặt công tác quản lý hoạt động giết mổ, mua bán gia cầm sống nhỏ lẻ trong khu dân cư và tại các chợ, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Sáng 26.10, tại khu vực chợ Đầm thuộc phường Thị Nại, TP Quy Nhơn vẫn còn một số hộ dân hành nghề mua bán, giết mổ gia cầm.
Theo ngành chức năng TP Quy Nhơn, hiện trên địa bàn thành phố có 31 hộ hành nghề giết mổ gia cầm (GMGC) nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư và 35 hộ mua bán gia cầm sống tại các chợ thuộc địa bàn các phường: Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Thị Nại, Bùi Thị Xuân, Ngô Mây, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Quang Trung, Hải Cảng. Số lượng gia cầm giết mổ, mua bán mỗi ngày khoàng từ 1.000 - 1.500 con, những ngày lễ, tết có thể lên 5.000 - 6.000 con/ngày. Các hộ hành nghề GMGC thường tận dụng khoảng trống trên vỉa hè để hành nghề, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất thải, nước thải từ hoạt động GMGC thường được người dân xả thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước công cộng hoặc ra đường, gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động mua bán cũng thường diễn ra ngay trên vỉa hè, nhiều nơi còn ở cả lòng đường gây ảnh hưởng đến trật tự, ATGT.
Nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, ngày 1.10.2020, UBND TP Quy Nhơn đã phê duyệt và chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện phương án di dời các hộ hành nghề giết mổ gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố đến cơ cở giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT) đã xây dựng tại phường Nhơn Bình và di dời, bố trí cho các hộ mua bán gia cầm đến chợ Dinh để tiếp tục hoạt động.
Ngày 26.10, quan sát tại một số chợ ở nội thành Quy Nhơn, hầu như hoạt động giết mổ và mua bán gia cầm sống đã chấm dứt. Riêng tại chợ Đầm, thuộc địa bàn phường Thị Nại vẫn còn một số hộ đang mua bán, GMGC sống. Đề cập đến chủ trương của TP Quy Nhơn về việc di dời hoạt động GMGC đến cơ sở GMĐVTT tại phường Nhơn Bình, bà Trần Thị Xuân Thu ở đường Hoàng Hoa Thám, cho hay: “Tôi tận dụng vỉa hè trước nhà để GMGC, tiền thu được chỉ đủ trang trải qua ngày. Tôi tuổi cao, sức yếu, ai đưa gà, vịt đến thuê thì tôi làm, không thì thôi chứ nhỏ lẻ, ít việc quá tôi không lên Nhơn Bình hành nghề”.
Siết chặt công tác quản lý hoạt động giết mổ, mua bán gia cầm sống nhỏ lẻ trong khu dân cư và tại các chợ, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết, nhưng UBND TP Quy Nhơn cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của dân. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn cho hay: Qua quá trình tuyên truyền, vận động, phần lớn các hộ dân mua bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ đều thống nhất với chủ trương của thành phố. Ngân sách thành phố hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để tháo dỡ lò giết mổ gia cầm thủ công, hộ mua bán thì được hỗ trợ 3 triệu đồng để đưa gia cầm đến chợ Dinh mua bán. Hiện tại, cơ sở GMĐVTT tại phường Nhơn Bình có khu giết mổ gia cầm riêng, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho người dân hành nghề. Theo quy định, các hộ đưa gia cầm vào đây giết mổ chỉ đóng phí có 3.000 đồng/con gia cầm. Tại chợ Dinh, thành phố cũng đã bố trí khu mua bán gia cầm rộng 150 m2 nền bằng xi măng, có mái che bằng tôn và hệ thống điện chiếu sáng để người dân tiếp tục kinh doanh, mua bán gia cầm rất thuận lợi.
Việc di dời, bố trí các hộ GMGC nhỏ lẻ vào cơ sở GMĐVTT và các hộ mua bán gia cầm sống vào chợ Dinh là thực hiện đúng với các quy định pháp luật về thú y, môi trường, phù hợp với quy hoạch của địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe người dân. Ông Dương Diệp Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi vừa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương của thành phố và của tỉnh vừa thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đảm bảo lợi quyền lợi, yêu cầu chính đáng của người dân. Với những hộ cố tình chây ỳ, không thực hiện chúng tôi mới buộc phải cưỡng chế. Nhưng tôi tin, dần dần bà con sẽ quen với cái mới thôi, nhất là khi được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi”.
PHẠM TIẾN SỸ