Viết trong ngày bão lũ
Những ngày tháng 10 vừa qua, các tỉnh miền Trung đã liên tiếp phải gánh chịu các đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và sinh mạng…
Sáng nay, tiếp tục nghe đài thông báo: “Cơn bão số 9 đang di chuyển vào các tỉnh miền Trung, là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu mùa và khả năng là cơn bão mạnh nhất trong mùa mưa bão năm nay…” làm lòng tôi quặn thắt.
Nhiều ngôi nhà ở TX An Nhơn bị ngập sâu trong lũ năm 2016. Ảnh: TL.
Quê tôi nằm ở cuối nguồn sông Côn, đúng cái đoạn mà mọi người ví von là vùng đất “chín áo một quần”. Cái vùng đất ấy đã nuôi tôi khôn lớn, với những cánh đồng lúa trĩu nặng phù sa, những nguồn lợi cá tôm phong phú và sự tảo tần, chắt chiu của ba tôi, mẹ tôi.
Hàng năm, cứ đến tháng Chín, tháng Mười, khi công việc đồng áng đã xong, nhà cửa được chằng chống, cây cao được tỉa cành, mương nước được khơi thông... là người dân quê tôi ngồi chờ đón nước lụt về. Mùa nước lụt ở quê tôi cũng là mùa cá đồng theo nước nguồn về sông, rồi từ sông lên ruộng đẻ. Khi nước từ các con sông tràn bờ, người dân quê tôi lũ lượt ra đồng bắt cá. Đó vừa là thú vui cho bọn trẻ, nhưng cũng là thu nhập của người làm nông quê tôi ngày nhàn.
Tuổi thơ của tôi lớn lên ở chốn ruộng đồng, nên từ nhỏ đã biết quảy dẹp, gánh đó dầm mưa, lội nước đi bắt cá đồng. Sau bữa cơm chiều, khi ánh sáng còn nhìn rõ mặt người, tôi đã chuẩn bị “đồ nghề” đi bắt cá đồng. Hễ nơi nào có tiếng nước chảy róc rách là tôi tìm đến để đặt đó, đơm dẹp đón cá. Còn nhớ, hồi bà nội tôi còn sống, bà thường chế biến những món cá đồng mà cả nhà ăn hoài không ngán. Những con cá rô tròn trịa, bụng trứng căng phồng bà đem nướng trên lò than hồng, mỡ chảy xèo xèo cho đến khi chín vàng và dằm nước mắm ớt tỏi. Những con cá lóc còn giãy đành đạch, bà nướng sơ, bỏ kho cùng mắm cua chua với mấy đọt măng. Những con cá chép, cá diếc bà nấu canh chua với khế và rau thơm…. Trong lúc mưa gió sập sùi, cả nhà xúm xít quanh nồi cơm còn nóng hôi hổi với món cá đồng, ngó đi ngó lại nồi cơm không còn hạt cháy…
Cuộc sống ngày càng phát triển, những đứa trẻ nhà quê lớn lên từ nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cá đồng như chúng tôi bây giờ đứa là thành kỹ sư, bác sĩ; đứa là nhà văn, nhà báo, nhà thơ. Món ăn cá đồng dân dã, nhà nghèo ở quê tôi bây giờ cũng đã trở thành đặc sản, đã vào nhà hàng và nằm trên đĩa men, chén kiểu. Mùa nước lụt ở quê tôi ngày nào giờ cũng không còn nữa. Con sông quê hiền hòa, thơ mộng giờ đây cũng đã trở nên hung dữ hơn. Mới hôm qua dòng nước còn trôi lặng lờ, vậy mà sau một đêm mưa gió, sáng ra bỗng trở nên cuồn cuộn, chảy xiết, đục ngầu. Những con đường thường ngày vẫn đi giờ trở thành biển nước. Nhiều ngôi nhà đã bị nhấn chìm trong làn nước nước bạc mênh mông. Ở nơi rốn lũ, tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh thương tâm, đau lòng. Những gương mặt phờ phạc và đau đớn vì tài sản bị nước lũ cuốn trôi, hoa màu hư hỏng... Những đứa trẻ ngồi bó gối trong những căn nhà bốn bề ngập nước. Ngay cả mạng sống của những người dân cũng luôn bị “thủy thần” rình rập...
Đi trong mùa bão lũ miền Trung, tôi càng thấy đồng cảm với người dân quê mình. Mỗi hạt lúa trên vùng đất này đều phải qua nắng hạn tháng Sáu và mưa lũ tháng Chín, tháng Mười... Dù trong khó khăn vất vả, nhưng người dân quê tôi vẫn cảm thấy ấm áp, bởi bao trái tim nhân ái, những tấm lòng thơm thảo đã luôn hướng về khúc ruột miền Trung thân yêu…
NGỌC THÁI