Chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong bão số 9
Để chủ động ứng phó với bão số 9, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, sáng 27.10, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số địa phương trong tỉnh, qua đó có các ý kiến chỉ đạo kịp thời, nhấn mạnh việc chủ động ứng phó, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện “4 tại chỗ”.
● Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đi kiểm tra thực tế tại xã An Quang, An Vinh (huyện An Lão) và phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực, khẩn trương đưa người dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao đến nơi an toàn.
Đoạn km 8 tuyến đường từ An Quang - An Toàn (huyện An Lão) đã bị sạt lở mái taluy âm sâu vào nền đường.
Tại huyện An Lão, tuy chưa xảy ra mưa lớn, nhưng đoạn km 8 tuyến đường từ An Quang - An Toàn đã bị sạt lở mái taluy âm sâu vào nền đường. Tuyến đường tránh ngập hồ chứa nước Đồng Mít từ công trình hồ Đồng Mít thuộc địa bàn xã An Dũng (cũ) đến xã An Vinh cũng có rất nhiều điểm đã bị sạt lở nặng, trong đó tại km 13 thuộc thôn 1, xã An Vinh có 200 m3 đất đá trên các triền núi sạt lở đổ xuống đường, khiến giao thông bị đình trệ. Hiện Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư xây dựng tuyến đường nói trên) dùng máy xúc giải phóng đất đá trên đường để người dân qua lại, đồng thời gia cố các điểm bị sạt lở dọc tuyến đường tránh ngập hồ chứa nước Đồng Mít.
Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh đang xử lý đất đá sạt lở xuống đường tại km 13 trên tuyến đường tránh ngập hồ chứa nước Đồng Mít thuộc địa bàn thôn 1, xã An Vinh.
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng về công tác ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND huyện An Lão Trương Tứ, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các xã An Vinh, An Quang lập chốt trên các tuyến đường đang bị sạt lở để nhắc nhở, không cho người dân qua lại khi bão, mưa lớn xảy ra. Huyện cũng đang huy động lực lượng di dời hơn 500 hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao tại các xã: An Hòa, An Nghĩa, An Quang, An Vinh đến nơi an toàn.
Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của huyện An Lão và Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh, đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng gia cố, xử lý xong các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông trong chiều 27.10, đồng thời di dời tất cả các hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, vùng thường bị ngập lũ đến nơi an toàn. Vận động nhân dân giằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực, thực phẩm và không được chủ quan với bão, mưa lũ. Về lâu dài, huyện An Lão phải quy hoạch các khu tái định cư, đưa các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ bị sạt lở đến khu tái định cư để ở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 tại phường Tam Quan Bắc.
Tại phường Tam Quan Bắc, công tác ứng phó với bão số 9 cũng được chính quyền địa phương thực hiện khẩn trương. Nhiều ngư dân đã di chuyển tàu thuyền vào Khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan. Một số hộ dân đã ra bờ biển xúc cát vào bao đưa về giằng chống nhà cửa. Chủ tịch phường Tam Quan Bắc Trương Quang Minh cho hay: Xã đã huy động lực lượng thanh niên tháo dỡ các tấm ba nô, áp phích trên các tuyến đường, vận động người dân phát quang cây cối trong vườn nhà, giằng chống nhà cửa; đưa 1.000 tàu cá vào neo đậu tại Khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan. Chiều 27.10, xã sẽ di dời khoảng 100 hộ dân có nhà ở dọc bờ biển đến nơi ở an toàn.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết: Các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN thị xã đã bám sát địa bàn được phân công. Trong chiều 27.10, thị xã tổ chức di dời 813 hộ dân/2.746 người tại 7 xã, phường: Hoài Hương, Hoài Hải, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Đức, Hoài Châu Bắc, Tam Quan đến trụ sở UBND xã, phường, trường học để tránh trú bão. Vận động nhân dân giằng chống nhà cửa, bảo quản tài sản cẩn thận. Các xã, phường ra quân chặt dọn cây xanh ở các trục đường chính trong các khu dân cư; giằng chống trường học, bệnh viện và các công trình công cộng. Ban quản lý Cảng cá Tam Quan phối hợp với các ngành chức năng bố trí, sắp xếp neo đậu 1.440 tàu cá tại Khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan… Hiện Hoài Nhơn còn 138 tàu cá hoạt động trên biển, trong đó có 11 tàu sẽ vào bờ trong chiều 27.10, số còn lại di chuyển về phía Nam, ngoài hướng đi của bão số 9 khoảng 180 km. Tuy vậy, do sóng to, gió lớn, có 8 tàu cá ở phường Hoài Hương và Tam Quan Bắc công suất máy không lớn đã phải thả neo cho tàu đậu tại chỗ.
Phần lớn tàu thuyền ngư dân đã neo đậu an toàn
Về tình hình tàu thuyền trên biển, đại tá Trần Quốc Bình, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, thông tin: Trong số 8 tàu cá đang thả neo, neo đậu tại chỗ có 3 tàu phát tín hiệu cứu hộ khẩn cấp. Hiện chúng tôi đang phối hợp với ngành chức năng tiếp tục thông tin liên lạc hướng dẫn ngư dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời kiến nghị tỉnh đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ các tàu cá đang phát tín hiệu cứu hộ khẩn cấp. BĐBP tỉnh đã tăng cường lực lượng tại TX Hoài Nhơn hỗ trợ địa phương quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại Khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan; kiên quyết không cho ngư dân ở lại trên tàu khi có bão.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu TX Hoài Nhơn khẩn trương di dời các hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trong chiều 27.10. Việc kêu gọi hướng dẫn ngư dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí, sắp xếp tàu cá, tàu hàng neo đậu an toàn cũng cần phải được thực hiện nghiêm túc. Lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích hỗ trợ người dân giằng chống nhà cửa, phát dọn cây xanh, tháo dỡ các pa nô, áp phích trên các tuyến đường. Có biện pháp bảo vệ các cơ sở hạ tầng, công trình giáo dục, văn hóa. Khi bão đến nhất quyết không để bất kỳ một ngư dân nào ở trên tàu và thông báo cho người dân không ra đường.
Chiều 27.10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh gửi văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ các tàu cá của ngư dân đang neo đậu ngoài khơi đang phát tín hiệu cứu hộ khẩn cấp. Các đơn vị quân đội, công an bố trí lực lượng, phương tiện cho TX Hoài Nhơn để phục vụ cho công tác ứng phó bão số 9. Các địa phương, đơn vị phải cử người túc trực 24/24 giờ, liên tục cập nhật thông tin, báo cáo tình hình hình tại địa phương, đơn vị về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để lãnh đạo tỉnh biết, chỉ đạo.
● Đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh - đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 tại tại Cảng cá Quy Nhơn, các khu vực xung yếu của xã Nhơn Lý và xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Cùng đi có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Dũng.
Lực lượng BĐBP, Chi cục Thủy sản hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn đảm bảo an toàn, tránh va đập gây thiệt hại tài sản cho ngư dân.
Theo báo cáo, các ngành chức năng của thành phố đã thông báo cho gia đình các chủ tàu, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 để chủ động phòng tránh. Đến 10 giờ sáng 27.10, đã có 520 tàu thuyền vào bờ và neo đậu; còn 369 tàu đang trên hành trình vào bờ để tránh bão và 14 tàu đang còn trong vùng nguy hiểm, bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Trên vùng biển Quy Nhơn hiện cũng đang có 27 tàu hàng và 12 tàu dịch vụ, công trình đang neo đậu. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Bình Định, cho biết: “Hiện còn 50 tàu cá đã đăng ký và đang trên đường vào bờ để tránh bão. Sau 17 giờ ngày 27.10, chúng tôi sẽ không cho tàu neo đậu tại cầu cảng để đảm bảo an toàn cho cầu cảng và trong buổi tối sẽ dừng mọi hoạt động kinh doanh trên bờ để đảm bảo an toàn”.
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng thông tin, địa phương đã phân công các đoàn đi kiểm tra toàn bộ các khu vực xung yếu trên địa bàn, chỉ đạo các phường, xã trực 24/24 giờ và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng phòng chống bão. Ngoài việc thông tin liên tục về diễn biến cơn bão đến người dân, thành phố đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời khoảng 300 hộ dân ở vùng có xung yếu gần sông, gần biển, vùng có nguy cơ sạt lở cao, đến nơi an toàn; chậm nhất đến 17 giờ ngày 27.10 sẽ hoàn thành việc di dời. Đồng thời, thành phố cũng cấp cho các địa phương 10.000 bao đựng cát để gia cố các điểm đê, kè và các khu vực xung yếu khác.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Toàn kiểm tra tình hình ứng phó bão số 9 tại xã Nhơn Hải.
Lưu ý các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn trước, trong và sau bão, đồng chí Lê Kim Toàn đề nghị Sở NN&PTNT, các đơn vị LLVT, các địa phương trên địa bàn TP Quy Nhơn và các đơn vị liên quan tiếp tục giữ liên lạc để kêu gọi, hướng dẫn số tàu thuyền còn lại trên biển vào bờ để tránh trú bão; hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn đảm bảo an toàn, tránh va đập gây thiệt hại tài sản cho ngư dân. “Các đơn vị phải phân công nhiệm vụ cụ thể đối với lực lượng tham gia phòng, chống bão; các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn cần bố trí đủ lực lượng cứu hộ khi có sự cố. UBND TP Quy Nhơn phải triển khai ngay phương án di dân tại chỗ, bố trí cụ thể, chi tiết hộ nào chuyển đến nơi nào, vị trí nào an toàn. Đặc biệt, phải kiểm tra, đôn đốc, cương quyết đưa vào bờ toàn bộ 94 hộ là chủ của hơn 2.000 lồng, bè nuôi trồng thủy sản tại khu vực 9, phường Hải Cảng, để đảm bảo an toàn trước 18 giờ ngày 27.10”, đồng chí Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
● Đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại huyện Vân Canh và TX An Nhơn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long (ngoài cùng) kiểm tra thực tế phòng chống bão số 9 tại công trình hồ chứa nước Suối Đuốc (thị trấn Vân Canh).
Theo UBND huyện Vân Canh, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiện toàn các đội xung kích phòng, chống thiên tai tại địa phương với tổng số 523 người. UBND huyện thành lập lực lượng lực lượng quản lý đê nhân dân ở các tuyến đê tại xã Canh Vinh, Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa, thị trấn Vân Canh. Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, quản lý đê nhân dân ở các xã, thị trấn túc trực tại các công trình xung yếu, các tuyến giao thông trọng điểm để kịp thời xử lý, khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra và giám sát, hướng dẫn người dân, phương tiện hạn chế đi vào các khu vực nguy hiểm, thường xuyên bị sạt lở, ngập sâu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Nguyễn Bá Đẩu cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền các hộ dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng ít nhất trong 10 ngày khi thiên tai xảy ra; tổ chức cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm, nước sinh hoạt cho nhân dân và huy động đội ngũ y tế tại địa phương chuẩn bị thuốc men để sơ cấp cứu, chữa bệnh cho người dân tại nơi sơ tán. UBND huyện đã mua 20.000 bao cát để phục vụ cho công tác phòng, chống bão và phân bổ cho các xã, thị trấn. Đồng thời UBND các xã, thị trấn đã có kế hoạch chuẩn bị thêm cát, đất, đá, xẻng xúc cát, xà beng... và hiện huy động được 37 xe tải, 2 xe múc, 6 máy đào, 3 máy cày rơ moóc, 2 máy ủi... để sẵn sàng gia cố, ứng cứu khi có nguy cơ xảy ra đối với các công trình, hồ đập trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn đã có kế hoạch di dời 718 hộ/2.621 người sống ở những vùng trũng, thấp, gần bờ sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở đơn sơ, đến nơi an toàn như các trường học, nhà văn hóa thôn khi có bão xảy ra.
UBND TX An Nhơn đã mua 20.000 bao cát và UBND các xã, phường chủ động mua thêm 21.800 bao cát, 220 m3 cát và mua 2.270 thùng mỳ tôm, 2.270 lốc nước uống... Đến 9 giờ sáng 27.10, 15/15 xã, phường, thị trấn đã cơ bản thực hiện xong các nội dung chuẩn bị về hậu cần để ứng phó với bão số 9. Hiện nay trên địa bàn thị xã đang triển khai xây dựng 13 công trình đê kè, trong đó hoàn thành 6 tuyến, còn lại 7 tuyến đang thi công đạt khoảng 70% khối lượng. Ngoài ra, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường có biện pháp gia cố, bảo vệ hệ thống đê, kè, bờ ngự thủy xung yếu, hệ thống kênh mương, trạm bơm, các tràn, đường, cầu cống, nhất là những vùng thường xuyên bị ngập lũ.
Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn Lê Thanh Tùng cho biết: Các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức giằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng... các công trình công cộng, đặc biệt là đối với các công trình cột tháp cao, biển quảng cáo, nhà cao tầng đang thi công; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, dân cư, trụ sở... Đồng thời hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tối thiểu bảo đảm đủ dùng từ 5 - 7 ngày tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do bão lũ; hướng dẫn đưa lên những vị trí cao các vật dụng, gia súc, gia cầm, lúa giống gieo sạ vụ Đông Xuân 2020 - 2021... Các công tác phòng, chống đảm bảo hoàn thành vào chiều nay.
UBND TX An Nhơn cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, huy động lực lượng quân đội, dân quân, du kích các xã sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ các tuyến đê xung yếu, công trình thủy lợi hồ Núi Một khi có tình huống nguy hiểm...
Đồng chí Nguyễn Phi Long biểu dương tinh thần chủ động ứng phó với bão số 9 của các địa phương, đồng thời nhấn mạnh bão số 9 rất nguy hiểm và diễn biến khó lường nên tuyệt đối không được chủ quan, phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là trên hết.
Với huyện Vân Canh, đồng chí lưu ý huyện phải thông báo và có những biện pháp để người dân không vào rừng kể từ chiều hôm nay, sẵn sàng ứng phó với những nguy cơ sạt lở, ách tắc giao thông ở xã vùng cao Canh Liên, các làng ở vùng sâu vùng xa... Đối với TX An Nhơn, cần thông báo và không cho người dân đi qua các điểm tràn ngập nước. Đặc biệt, phải phân công trách nhiệm cụ thể, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong bão số 9.
Chiều 27.10, đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - làm việc tại UBND xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, nghe báo cáo và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các phương án di dời bảo vệ an toàn cho 350 hộ với 1.470 nhân khẩu ở 6 xã của huyện Tuy Phước thuộc vùng gặp nhiều nguy hiểm trong bão số 9, đặc biệt là ở 4 xã khu Đông.
Đồng chí Nguyễn Phi Long (giữa) cùng các thành viên đoàn công tác đi thuyền vào thăm hỏi người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Đồng chí Nguyễn Phi Long đi thuyền vào tận các khu dân cư thôn Diêm Vân (xã Phước Thuận) trên khu vực đầm Thị Nại, động viên, dặn dò bà con cần có các giải pháp bảo vệ nhà cửa và nhanh chóng thực hiện di dời; ghé thăm chùa Pháp Hải (thôn Diêm Vân), thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn chùa đã tiếp nhận nhiều người dân đến trú tránh bão.
Đồng chí Nguyễn Phi Long (đầu tiên bên phải) cùng các thành viên đoàn công tác đi thuyền vào thăm hỏi người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Gia cố, giằng chống nhà cửa tại thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước chiều 27.10.
Cũng trong buổi chiều ngày 27.10, đồng chí Nguyễn Phi Long đến kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 9 tại Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định, Khu nghỉ dưỡng FLC, động viên và yêu cầu các DN thực hiện tốt các giải pháp để bảo vệ an toàn cho cán bộ, nhân viên, công nhân, du khách cùng tài sản của DN.
● Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.
Đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại làng K3, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh
Theo báo cáo của huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện có một số khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc ngập úng khi có mưa lớn như: Làng K93, làng O3, làng Đắk Tra, làng O5 (xã Vĩnh Kim), làng K4, làng Suối Cát (xã Vĩnh Sơn)... Huyện đã thông báo cho người dân về cường độ và sức tàn phá khủng khiếp của bão số 9 để chủ động ứng phó, tích trữ lương thực; các trường cho học sinh nghỉ học.
Đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong việc ứng phó với bão số 9, đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ yêu cầu lãnh đạo huyện phải vận động người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ; có phương án bố trí xe chở người dân đến trú tạm ở trụ sở xã hoặc trường học kiên cố để đảm bảo an toàn tính mạng; bố trí nơi ăn, ở, lương thực thực phẩm cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ và đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại làng Suối Cát, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu các cấp, ngành địa phương tích cực trong việc tuyên truyền cho người dân về nguy cơ mất an toàn do bão gây ra, nhằm nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản, vật nuôi. Người dân cần cảnh giác, không đi lại trong rừng, qua sông suối ở thời điểm bão đổ bộ và khi có nước chảy mạnh. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung phương tiện, nhiên liệu, lương thực thực phẩm, phát huy lực lượng tại chỗ để ứng cứu, xử lý trong tình huống khẩn cấp, nhất là khi đường giao thông bị chia cắt do đất đá, cây cối sạt lở.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác kiểm tra một số địa điểm có nguy cơ sạt lở tại thôn Tả Giang 1 (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn).
● Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đi kiểm tra tình hình triển khai các giải pháp ứng phó bão số 9 tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ); xóm Gành, xã Cát Minh, cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát); tuyến kè chắn sóng xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu kiểm tra công tác ứng phó bão số 9 tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ).
Huyện Phù Mỹ tiến hành sơ tán 1.261 hộ dân/6.129 nhân khẩu tại các vùng thấp trũng, vùng ven biển, ven sông đến nơi an toàn. Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Huyện đã cử nhiều đoàn công tác xuống các địa phương, đến tận nhà dân vận động bà con đến nơi an toàn. Người dân đã nắm bắt thông tin bão số 9 và đang di dời đến các địa điểm an toàn được địa phương bố trí”.
Cùng với việc chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho 22 hồ thủy lợi, 9 đập dâng lớn trên các sông, UBND huyện Phù Cát và chính quyền các địa phương sẵn sàng sơ tán 1.277 hộ dân/6.207 nhân khẩu tại các vùng nguy hiểm.
Riêng 34 hộ dân ở xóm Gành, xã Cát Minh cũng đã được địa phương khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn trong ngày hôm nay. Ông Huỳnh Văn Dũng, một hộ dân ở xóm Gành, kể: “Cán bộ huyện, xã đã đến nhà giúp gia đình tôi di chuyển đồ đạc trong sáng nay. Bão này lớn lắm, ở đây rất nguy hiểm, mưa lớn là núi sạt lở ngay. Khu vực này bị sạt lở nhiều lần rồi, không đi là không được đâu”.
Bộ đội giúp người dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) giằng chống nhà cửa.
Cùng với việc vận động người dân giằng chống nhà cửa, các địa phương ven biển cũng đã thực hiện nghiêm lệnh cấm biển do UBND tỉnh ban hành từ chiều 26.10. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), cho biết: “Đến nay, 154 ghe thuyền của ngư dân địa phương đã được đưa đến nơi neo đậu an toàn; 460 lồng nuôi/360 nghìn con tôm hùm thương phẩm của 36 hộ ngư dân được giằng neo kỹ lưỡng. Xã đã nghiêm cấm người ở trên lồng bè nuôi thủy sản, tàu thuyền, bà con đã chấp hành nghiêm túc; đã cấp phát 5.000 bao cát cho người dân sống ven biển, ven suối giằng chống nhà cửa. Lực lượng quân đội cũng đã về địa phương phối hợp giúp dân ứng phó bão số 9”.
Tại các nơi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đánh giá cao việc chủ động triển khai các giải pháp ứng phó bão số 9 của cán bộ, người dân tại các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời người dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; tạo dòng chảy thông thoáng tại các kênh mương, hồ thủy lợi để nước thoát nhanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: “UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Bộ CHQS, CA, BĐBP tỉnh cắt cử lực lượng túc trực phía Bắc tỉnh và phía Nam tỉnh để cứu hộ cứu nạn, giúp dân giằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản. Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương tăng cường thêm khoảng 4.000 quân nhân để phối hợp với lực lượng công an, quân đội của tỉnh trong việc giúp dân phòng chống bão, túc trực cứu nạn cứu hộ và ứng phó với mọi tình huống xảy ra”.
TIẾN SỸ - HỒNG PHÚC - HOÀI THU - LÊ CƯỜNG - NGỌC NHUẬN