Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9, ổn định đời sống người dân
(BĐ) - Đây là chỉ đạo của đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và TX An Nhơn vào ngày 28.10.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Toàn (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 9 tại cảng cá Đề Gi.
Tại huyện Tuy Phước, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Theo thống kê ban đầu, đến chiều 28.10, bão số 9 với sức gió cấp 8, giật cấp 9 đã làm 16 ngôi nhà bị sập (xã Phước Hiệp 1 nhà, Phước An 1 nhà, Phước Hòa 9 nhà, Phước Sơn 2 nhà, Phước Thuận 3 nhà); cùng 40 ngôi nhà khác bị tốc mái. Bão cũng đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện, gây hư hỏng hoa màu của bà con nhân dân. Ngay sau bão tan, chính quyền địa phương đã thành lập nhiều đoàn công tác xuống địa phương để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Còn tại TX An Nhơn, theo Bí thư Thị ủy Đặng Vĩnh Sơn, bão số 9 đã làm 2 người bị thương gồm: bà Nguyễn Thị Ngà (SN 1973) ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân và ông Trần Văn Ba (SN 1967) ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân. Bão cũng đã làm sập 3 ngôi nhà của dân; gây tốc mái 325 ngôi nhà khác; trường Tiểu học và trường Mẫu giáo xã Nhơn Lộc cũng bị tốc mái 7 phòng học. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã đã có 40 bảng hiệu quảng cáo bị ngã, hàng trăm cây xanh bị trốc gốc, gãy đổ cành…
Do ảnh hưởng của bão số 9, 6 tàu sắt neo đậu trong cảng cá Đề Gi đã bị đứt dây neo trôi dạt vào cảng cá Đề Gi.
“Đối với các trường hợp bị thương, sau khi sơ cứu ban đầu tại trạm y tế xã, chính quyền địa phương đã hỗ trợ đưa đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh. Thị ủy An Nhơn đã phân công các đồng chí lãnh đạo về địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân”, Bí thư Thị ủy An Nhơn Đặng Vĩnh Sơn nói.
Tại Phù Cát, ông Nguyễn Văn, Phó Giám đốc Cảng cá Bình Định, phụ trách cảng cá Đề Gi, cho hay: Bão số 9 với sức gió cấp 9, giật cấp 10 đã làm đứt dây neo của 6 tàu vỏ sắt đánh bắt cá xa bờ đang neo đậu tại cảng trôi dạt vào cầu cảng Đề Gi, gây hư hỏng các giàn khung sắt cầu cảng và bê tông mặt cầu. Sau khi bão tan, Ban quản lý cảng cá đã yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng đưa phương tiện ra xa cầu cảng để tránh bị va đập hư hỏng tàu.
Còn tại Phù Mỹ, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, cho biết: Tính đến chiều 28.10, bão số 9 đã làm 6 người bị thương (xã Mỹ Hiệp 1 người, Mỹ Chánh 1 người, Mỹ Trinh 1 người, Mỹ Đức 2 người, Mỹ Thọ 1 người). Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 57 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 2.544 ha lúa vụ Mùa bị ngập, đổ ngã; 124 ha hoa màu bị thiệt hại từ 30 - 50%; 48m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 518m3 đất, bê tông, nhựa đường bị sạt lở, gây ách tắc 4 điểm giao thông trên địa bàn các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thọ và thị trấn Phù Mỹ… Ước tính tổng giá trị thiệt hại ban đầu gần 9 tỷ đồng.
Khắc phục tình trạng cây xanh ngã đổ gây ách tắc giao thông trên QL 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ).
Sau khi đi thị sát, nghe chính quyền địa phương báo cáo tình hình chủ động phòng chống bão và công tác triển khai khắc phục hậu quả, đồng chí Lê Kim Toàn đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với bão theo phương châm “3 sẵn sàng và 4 tại chỗ” của các địa phương. Nhờ vậy đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra.
Phó Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, sau khi bão tan thì ảnh hưởng của hoàn lưu bão còn diễn biến phức tạp, có thể gây ra các đợt mưa lũ lớn. Do vậy, chính quyền các địa phương phải tập trung để chủ động ứng phó và dồn mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Trước mắt, UBND các huyện xuất kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị thương, nhà bị sập, tốc mái; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị đói, rét. Bên cạnh đó, kịp thời huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời.
NGUYỄN HÂN