Ðưa công nghệ thông tin vào quản lý khoa học: Thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao
Ðưa hệ thống phần mềm quản lý ngành vào quản lý, điều hành các hoạt động KH&CN trong tỉnh, bước đầu giúp rút ngắn thời gian làm việc, giảm chi phí công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu của ngành. Tuy nhiên, hệ thống này thiếu đồng bộ, chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Hệ thống phần mềm quản lý ngành được Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN xây dựng và triển khai từ năm 2018, theo đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động KH&CN, gắn kết với cấp huyện và DN trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020”. Hệ thống gồm 10 phần mềm thiết kế sử dụng cho văn phòng Sở KH&CN, đơn vị trực thuộc, UBND cấp huyện, DN, tổ chức KH&CN.
Hệ thống phần mềm quản lý ngành bước đầu giúp các đơn vị thuộc Sở KH&CN thực hiện tốt hơn công tác quản lý KH&CN.
Ông Nguyễn Ngọc Hóa, Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở (Sở KH&CN), chia sẻ: “Chúng tôi đã triển khai phần mềm quản lý sáng kiến cấp tỉnh gần một năm nay, bước đầu giúp tạo được sự kết nối giữa cơ quan quản lý với các tổ chức, cá nhân muốn đăng ký xét công nhận sáng kiến trong tỉnh. Cả hai phía đều có thể truy cập vào phần mềm để cập nhật và tra cứu thông tin về hồ sơ xét sáng kiến, thông tin kết quả xét duyệt sáng kiến. Thông tin về các sáng kiến được sắp xếp theo các tiêu chí từng năm, đối tượng, lĩnh vực; nhờ đó công tác tổng hợp thông tin, báo cáo kết quả rất thuận tiện”.
10 phần mềm thuộc Hệ thống quản lý hoạt động KH&CN gồm: Quản lý cung cầu công nghệ, quản lý sáng kiến cấp tỉnh, quản lý hoạt động KH&CN cấp huyện, quản lý nhiệm vụ KH&CN, quản lý hoạt động đầu tư, quản lý hoạt động đấu thầu, xây dựng kế hoạch năm, quản lý hồ sơ phân rã dự toán kinh phí nhiệm vụ, quản lý thi đua khen thưởng, quản lý cấp phát kinh phí đề tài, dự án.
Các phần mềm giúp xây dựng hệ thống thông tin chung cho toàn ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý trong thời đại công nghiệp hóa. Ứng với mỗi đơn vị có từng phần mềm khác nhau. Thế mạnh của các phần mềm là tổng hợp, cung cấp thông tin chuẩn xác, tra cứu nhanh chóng, nhờ đó giảm chi phí đi lại, lưu trữ dữ liệu.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, chuyên viên Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho hay: Đối với phần mềm quản lý hoạt động KH&CN cấp huyện, địa phương thuận lợi trong quản lý và lập kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN hằng năm, báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động KH&CN, và quản lý hoạt động ISO, nhờ đó từng bước “số hóa” hoạt động quản lý KH&CN.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hóa, việc ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý hiện còn nhiều hạn chế, nhất là chưa kết nối internet. Hiện, các phần mềm đang chạy trên máy chủ chính của Sở KH&CN, cao điểm thường hay bị nghẽn mạng, dẫn đến việc tìm kiếm, cập nhật thông tin chậm. Các phần mềm mới chỉ phục vụ trong nội bộ, muốn phát huy hiệu quả hơn nữa cần phải đầu tư nhiều hơn.
Cùng quan điểm trên, bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin & Thống kê KH&CN TP Hồ Chí Minh (CESTI) cho rằng, việc thiếu kết nối internet hạn chế hiệu quả của các phần mềm. Đơn cử như phần mềm quản lý cung cầu công nghệ chủ yếu phục vụ việc đăng ký, tìm kiếm, thống kê và tra cứu thông tin, tạo liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu với các đối tác có nhu cầu để thúc đẩy chuyển giao công nghệ; trong trường hợp này, việc kết nối internet chiếm tới 80% thành công. Bên cạnh đó, các thông tin cơ bản mô tả về công nghệ còn quá ít, các biểu mẫu báo cáo còn đơn giản, độ chính xác chưa cao.
Về phía các đơn vị cấp huyện, ứng dụng phần mềm vẫn chưa đồng bộ, mới chỉ có 4 đơn vị thực hiện. Một phần nguyên nhân là công tác thông tin, hướng dẫn chưa sâu rộng, phần do mẫu báo cáo chưa tích hợp phần mềm một cửa điện tử của địa phương. Trong khi đó, đối với DN, bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh cho rằng, cần thiết nghiên cứu mở rộng phạm vi kết nối để gắn kết nhu cầu về công nghệ.
Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường cho biết, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN hoàn chỉnh phần mềm sát thực tế hơn; tăng cường tuyên truyền các đơn vị triển khai; tích hợp thông tin báo cáo chung cho nhiều ngành. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ liên kết với CESTI để tổ chức nghiên cứu, sử dụng, khai thác thông tin về KH&CN tốt hơn.
HỒNG HÀ