Bình Định nằm trong nhóm dẫn đầu giải ngân vốn ODA
(BĐ) - Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc sáng 29.10 về tình hình thực hiện giải ngân chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, năm 2020, 9 dự án ODA của tỉnh Bình Định được phân bổ hơn 906 tỷ đồng; đến cuối tháng 10, tỷ lệ giải ngân đạt 87,79% (hơn 795 tỷ đồng).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long báo cáo trước Chính phủ về tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của tỉnh Bình Định.
Đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bình Định nằm trong nhóm 11 tỉnh giải ngân khá nhất, xếp vị trí thứ 2 (chỉ sau Tây Ninh giải ngân 91,74%).
Hội nghị tổ chức trực tuyến, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam chủ trì. Tại điểm cầu Bình Định, dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh; các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT và các ý kiến tại hội nghị cho thấy, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài cả nước đến 31.10 ước 18.089 tỷ đồng, đạt 30,15% kế hoạch; trong đó các bộ, cơ quan Trung ương giải ngân 5.824 tỷ đồng (27,07%), các địa phương giải ngân 12.265 tỷ đồng (31,87%). Vốn nước ngoài năm 2019 kéo dài thực hiện, giải ngân sang 2020, ước thực hiện 10.151 tỷ đồng (69,72%).
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA là hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện dự án ODA chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhiều dự án chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Từ đầu năm đến nay đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay tác động tới tiến độ thực hiện dự án do không triển khai công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân mà còn gây khó khăn cho bố trí kế hoạch.
Lưu ý các bộ, ngành, địa phương chỉ còn 2 tháng nữa hết năm 2020, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, khoảng 41.000 tỷ đồng (69% kế hoạch), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này. Bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA. Thực hiện nghiêm điều chuyển vốn, tránh tình trạng trả lại vốn quỹ dự toán.
Các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. “Hàng tháng, Bộ KH&ĐT tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020 - 2021, đừng để mất vốn. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án!”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
● Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả bão số 9 tại các tỉnh miền Trung. Lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục cứu trợ, cứu nạn, không để người dân nào lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói, rét; tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển ở Bình Định, Khánh Hòa, tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do lở đất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Các bộ, ngành tiếp tục vận động, hỗ trợ, giúp đỡ những người dân bị nạn. Thủ tướng cho biết, sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để xem xét, xử lý vấn đề về tài chính ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.
THU HIỀN