Nghị định 125/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn:
Tăng tính đồng bộ, công bằng và minh bạch
Chính phủ ban hành Nghị định 125/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn; chính thức có hiệu lực từ ngày 5.12.2020. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ðẩu, Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh, về một số điểm mới tại Nghị định này.
● Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn với nhiều thay đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và mức xử phạt. Ông có thể nói rõ thêm về ý nghĩa của Nghị định này?
- Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế và Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP (Nghị định 125), cập nhật và bao quát tốt hơn so với các quy định cũ.
Cục Thuế tỉnh Bình Định tăng tính hỗ trợ, giảm thiểu các xử lý vi phạm cho người nộp thuế.
- Trong ảnh: Đối thoại với người nộp thuế trên địa bàn tỉnh.
Nghị định sẽ tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành thuế, nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách; tạo được tính đồng bộ, sự thống nhất và điều kiện áp dụng, nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của các quy định về xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn hiện hành. Đặc biệt, bổ sung 4 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn tạo nên sự công bằng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thực thi pháp luật thuế.
Trước đây việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn, cả cơ quan thuế và người nộp thuế phải tra cứu áp dụng tại 2 nghị định của Chính phủ và 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nay với Nghị định 125 chỉ cần tra cứu và áp dụng tập trung tại 1 nghị định nên rất thuận lợi. Với những quy định chính xác, chi tiết, xử lý nghiêm những sai phạm, Nghị định 125 được kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế.
● Những điểm mới nổi bật của Nghị định 125, thưa ông?
- Như tôi vừa trao đổi, Nghị định 125 tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để người nộp thuế biết rõ việc cần làm, phải chấp hành; tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý thuế, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và bên nộp thuế.
Tính đến hết thàng 9.2020, Cục Thuế Bình Ðịnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý hóa đơn là 292 vụ việc, số tiền 5,9 tỷ đồng, giảm 53% số vụ việc và 32% số tiền xử phạt so với cùng kỳ. Vi phạm về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế là 207 đơn vị, số tiền 1,1 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Vi phạm chậm nộp tiền thuế phát sinh, tiền thuế truy thu, truy hoàn là 127 tỷ đồng. Việc giảm thu ở lĩnh vực là do cơ quan thuế thay đổi phương thức quản lý theo hướng hỗ trợ người nộp thuế nhiều hơn, gia tăng các cảnh báo rủi ro để người nộp thuế tự giác điều chỉnh; chuyển từ định hướng trừng phạt sang hỗ trợ, hướng dẫn để người nộp thuế tránh vi phạm, giảm sai.
Điểm mới được quan tâm đầu tiên là thay đổi về mức xử phạt các vi phạm về thuế, và hóa đơn. Chẳng hạn, với nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế, mức phạt tối thiểu là 500 nghìn đồng và mức tối đa là 25 triệu đồng (trước đây là từ 400 nghìn đồng đến 5 triệu đồng). Trong đó, mức phạt tiền sẽ tăng mạnh đối với nhóm hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế; hành vi chậm nộp hồ sơ thuế có mức phạt tiền tối thiểu là 2 triệu đồng đến 25 triệu đồng, tăng mạnh so với mức phạt trung bình hiện hành; hành vi khai sai, khai không đầy đủ nội dung trong hồ sơ khai thuế nhưng không dẫn tới thiếu số thuế phải nộp có mức phạt tiền tối thiểu là 500 nghìn đồng, mức phạt tiền tối đa là 8 triệu đồng (trước đây là từ 400 nghìn đồng đến 3 triệu đồng) …
Trường hợp vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn có quy mô lớn sẽ làm căn cứ xác định tình tiết tăng nặng. Các vi phạm về hóa đơn điện tử cũng được bổ sung đầy đủ trong Nghị định 125 như vi phạm về tiêu hủy hóa đơn; chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế; cung cấp phần mềm hóa đơn không đảm bảo…
Bên cạnh quy định về xử phạt, Nghị định 125 cũng làm rõ, tạo thuận lợi và đảm bảo các quyền của người nộp thuế theo tinh thần của Luật Quản lý thuế mới. Chẳng hạn người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp đã tuân thủ thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan thuế. Ví dụ như trong hoàn thuế, các trường hợp hoàn thuế cho các dự án thuộc diện tiền kiểm, nếu sau này Kiểm toán nhà nước có kiến nghị khác, trong trường hợp này, cơ quan thuế chỉ được thu hồi lại số tiền hoàn thuế, không xử phạt, không tính tiền chậm nộp. Điều 9 Nghị định 125 quy định rất rõ ràng, đầy đủ về nội dung này.
● Lộ trình triển khai Nghị định 125 ở tỉnh Bình Định như thế nào, thưa ông?
- Từ nay cho tới ngày Nghị định 125 chính thức áp dụng, cơ quan thuế tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung cho người nộp thuế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Phòng Tuên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) xây dựng chuyên đề tuyên truyền cho người nộp thuế nắm bắt; chú trọng vào các điểm mới, các điểm quan trọng có ảnh hưởng tới quyền lợi của người nộp thuế, tăng tính tự giác, giảm thiểu xử phạt đối với người nộp thuế. Việc tuyên truyền, phổ biến tiến hành với nhiều hình thức, nhiều cách tiếp cận như trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website ngành, các văn bản hướng dẫn tới các đơn vị, mạng xã hội…
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)